Châu Âu tăng ngân sách quốc phòng sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

EU đang thay đổi chính sách để có thể chi hàng chục tỷ euro cho lĩnh vực quốc phòng và an ninh, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đang tạo áp lực buộc EU phải tăng cường đầu tư.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Thụy Điển tham gia cuộc tập trận của NATO tại khu vực biên giới giữa Na Uy và Phần Lan ngày 9/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các quan chức EU, thay đổi chính sách này sẽ áp dụng cho khoảng 1/3 ngân sách chung của khối, tương đương 392 tỷ euro từ năm 2021 đến 2027, khoản tiền vốn nhằm giảm bất bình đẳng kinh tế giữa các nước thành viên.

Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 5% quỹ này được sử dụng, trong đó các nước hưởng lợi lớn nhất là Ba Lan, Italy và Tây Ban Nha.

Theo quy định hiện hành, khoản tiền này không được phép dùng để mua sắm thiết bị quốc phòng hay trực tiếp tài trợ cho quân đội, nhưng được phép đầu tư vào các sản phẩm "lưỡng dụng" như máy bay không người lái (UAV).

Trong những tuần tới, các nước thành viên sẽ nhận thông báo rằng họ sẽ được linh hoạt hơn trong việc phân bổ quỹ để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng và các dự án cơ động quân sự, như tăng cường đường sá và cầu cống để đảm bảo xe tăng di chuyển an toàn. Điều này bao gồm cả việc cho phép tài trợ để tăng sản xuất vũ khí và đạn dược, dù lệnh cấm sử dụng quỹ EU để mua vũ khí vẫn được duy trì.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết quỹ có thể được sử dụng cho ngành công nghiệp quốc phòng miễn là đóng góp vào sứ mệnh tổng thể là thúc đẩy phát triển khu vực, bao gồm cả khả năng cơ động quân sự.

Đức đóng vai trò then chốt trong khả năng cơ động quân sự của châu Âu do vị trí địa lý, nhưng cơ sở hạ tầng giao thông của nước này đang trong tình trạng kém. Bộ Kinh tế Đức ước tính nước này cần chi gấp 165 tỷ euro cho đường bộ, đường sắt và cầu cống. Đức dự kiến sẽ nhận 39 tỷ euro quỹ từ nay đến năm 2027.

Động thái này cũng được chào đón bởi các quốc gia ở biên giới phía Đông EU, nơi đã tăng chi tiêu quân sự kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, trong khi một số nước chứng kiến sụt giảm đầu tư nước ngoài.

Đầu năm nay, ông Trump đã cảnh báo các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng nếu trở thành tổng thống, ông sẽ khuyến khích Nga "muốn làm gì thì làm" nếu các thành viên liên minh không đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng.

Ba Lan đặc biệt gây áp lực lên EC để tăng chi tiêu quốc phòng. Nước này đã chi 4,1% GDP cho quân đội trong năm nay, gấp đôi mục tiêu NATO, và dự định đạt 4,7% vào năm 2025.

Nhìn chung, các nước EU cho đến nay đã chi tiêu tương đối ít từ quỹ này vì ưu tiên sử dụng hàng tỷ euro từ quỹ phục hồi được cung cấp sau đại dịch COVID-19. Quỹ này sẽ hết hạn vào năm 2026.

Việc chuyển hướng chính sách để tăng cường chi tiêu liên quan đến quốc phòng cũng sẽ được các nước đóng góp ròng vào ngân sách EU như Đức, Hà Lan và Thụy Điển hoan nghênh. Các nước này xem việc sử dụng quỹ hiện có là tốt hơn so với phát hành nợ chung hoặc cung cấp thêm tài trợ từ EU.

Thay đổi trong chính sách của EU là khởi đầu cho việc liên minh sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn vào ngân sách quốc phòng cho những năm tới.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo FT, Reddit)
Các công ty quốc phòng châu Âu kiếm 'bộn tiền' nhờ bất ổn địa chính trị
Các công ty quốc phòng châu Âu kiếm 'bộn tiền' nhờ bất ổn địa chính trị

Trước tình hình bất ổn địa chính trị gia tăng, đặc biệt là cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas, các công ty quốc phòng hàng đầu châu Âu như Thales, Rheinmetall, BAE Systems và Saab đã ghi nhận sự bùng nổ trong đơn đặt hàng và lợi nhuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN