Theo đài truyền hình CNN, trong tuần này, các bộ trưởng quốc phòng EU đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Thụy Điển. Kết quả là các bên đã nhất trí một thỏa thuận tạm thời mua đạn pháo 155 mm và gửi thêm đạn pháo từ kho dự trữ hiện có của các nước EU cho Ukraine.
Phát biểu tại Stockholm ngày 8/3, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết nước này đang cần 1 triệu viên đạn “càng sớm càng tốt” để ngăn chặn đà tiến của các lực lượng Nga.
Các nước EU sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 20/3, sau khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của khối nhóm họp tại Brussels.
Xung đột giữa Nga và Ukraine đánh dấu lần đầu tiên EU cung cấp vũ khí sát thương cho một nước thứ ba.
Micael Johansson, Giám đốc điều hành Saab - một nhà thầu quốc phòng Thụy Điển, trả lời phỏng vấn: “Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia đã nhận được một hồi chuông cảnh tỉnh và cần bổ sung cũng như tăng lượng dự trữ đạn dược, vũ khí. Xu hướng này sẽ kéo dài trong một số năm tới”.
Trong những tháng gần đây, các nhà đầu tư đã phát hiện ra cơ hội từ việc các nước châu Âu cần tăng cường kho dự trữ đạn dược, đặc biệt khi những nước này gia tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Khi cuộc chiến giữa Ukraine với Nga tiếp tục bước sang năm thứ hai đầy căng thẳng, EU cùng với Mỹ và Vương quốc Anh đã tái khẳng định tình đoàn kết với Ukraine. Tình đoàn kết đó đã chuyển thành các cam kết tiếp theo về chi tiêu quân sự.
Vào đầu tháng 2, EU thông báo khối này sẽ bơm thêm 545 triệu euro vào quỹ hỗ trợ quân sự trị giá 3,6 tỷ euro cho Ukraine.
Hồi tháng 1, Đức, Pháp, Ba Lan và Vương quốc Anh đã đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại cho Kiev, đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bất chấp lo ngại rằng một động thái như vậy có thể thổi bùng căng thẳng của phương Tây với Nga.
BAE Systems, nhà thầu quốc phòng lớn nhất châu Âu, đã ghi nhận các đơn đặt hàng kỷ lục trị giá 37 tỷ bảng Anh chỉ tính riêng trong năm 2022, mặc dù phần lớn các đơn đặt hàng có liên quan đến các chương trình lên kế hoạch từ trước khi chiến tranh xảy ra.
Cổ phiếu của BAE đã tăng 55% kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. BAE dự báo tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần của công ty - thước đo khả năng sinh lời - sẽ tăng từ 5% đến 7% vào năm 2023.
Giám đốc điều hành Johansson cho biết các đơn đặt hàng liên quan đến Ukraine bắt đầu tăng từ tháng 12/2022. “Chắc chắn sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn nữa”, ông Johansson lưu ý các chính phủ phương Tây đang chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và an ninh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng đáng kể.
Ông Johansson tin tưởng doanh số bán hàng của Saab sẽ tăng 15% trong năm nay, mặc dù ông cũng bày tỏ hy vọng chiến tranh sẽ sớm kết thúc.
Tại Đức, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của nước này Rheinmetall, nói rằng họ hy vọng sẽ mở một nhà máy sản xuất xe tăng chiến đấu trị giá 200 triệu euro ở Ukraine, với khả năng sản xuất khoảng 400 xe tăng mỗi năm. Đây là một dấu hiệu cho thấy các công ty quốc phòng đang mong đợi nhu cầu tăng mạnh mẽ trong nhiều năm tới.
Ông Josep Borrell, Đại diện phụ trách các vấn đề đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước: “Ukraine nên có tất cả các thiết bị quân sự cần thiết và đào tạo cần thiết để bảo vệ lãnh thổ của mình. EUsẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine chừng nào còn thấy cần thiết”.