Tổng thống Erdogan tiết lộ Thổ Nhĩ Kỳ muốn hệ thống phòng không ‘Vòm Thép’

Tổng thống Tayyip Erdogan chia sẻ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu sớm sở hữu hệ thống phòng không nhiều lớp Vòm Thép (Steel Dome) của riêng nước này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ngày 29/10, phát biểu tại buổi lễ ra mắt trực thăng Gokbey tự sản xuất trong nước dành cho lực lượng hiến binh, Tổng thống Erdogan đã ví Vòm Thép với Vòm Sắt (Iron Dome) nổi tiếng của Israel. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ: “Giờ đây, chúng ta đã hiểu rõ hơn nhiều về tầm quan trọng sống còn của các hệ thống phòng không nhiều lớp đối với an ninh quốc gia. Nếu Israel có một Vòm Sắt, chúng ta cũng sẽ có một Vòm Thép". Tuy nhiên, ông Erdogan không đưa ra mốc thời gian cụ thể.

"Chúng tôi cũng sẽ tăng cường năng lực tên lửa tầm xa của mình trong giai đoạn này", ông bổ sung. Tổng thống Erdogan cũng nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi tự lực được hoàn toàn trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đáng kể phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị quốc phòng nước ngoài. Thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này đã trở thành nhà sản xuất thiết bị bay không người lái trang bị vũ khí hàng đầu cho thị trường toàn cầu và tự sản xuất phần lớn nhu cầu quốc phòng trong nước.

Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12/2020 do nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Mỹ cũng đã đưa Ankara ra khỏi chương trình chiến đấu cơ tàng hình F-35 với Thổ Nhĩ Kỳ vốn là bên tham gia sản xuất và giữ cả vai trò người mua.

Vòm Sắt của Israel đi vào hoạt động toàn đầy đủ từ tháng 3/2011 và được nâng cấp nhiều lần kể từ đó. Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rafael của Israel đã phát triển Vòm Sắt với hỗ trợ từ Mỹ.

Vòm Sắt được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt tên lửa đạn đạo và đạn pháo bắn từ khoảng cách 4 đến 70 km. Một khẩu đội Vòm Sắt thường bao gồm một số đơn vị phóng (trọng tải của mỗi đơn vị là 20 tên lửa đánh chặn), một đơn vị radar và một đơn vị điều khiển. Một trong những tính năng khác biệt của Vòm Sắt là đánh giá các mối đe dọa tiềm tàng và bỏ qua các tên lửa dự kiến hạ cánh ở những khu vực trống.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Sputnik, Reuters)
Lý do NATO lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS
Lý do NATO lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS

Việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập BRICS đã gây ra lo ngại lớn cho NATO, đặc biệt khi khối kinh tế này do Nga và Trung Quốc dẫn đầu. Hành động này phản ánh sự thay đổi chiến lược của Ankara, nhưng làm dấy lên nghi ngại về cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO và trật tự quốc tế do phương Tây dẫn dắt. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN