Nhưng tất cả đã thay đổi vào ngày 7/10 năm ngoái, khi Hamas thực hiện cuộc tấn công xuyên biên giới, dễ dàng phá vỡ hệ thống phòng thủ công nghệ cao của Israel.
Kể từ đó, Israel vẫn tiếp tục dựa vào phòng không để bảo vệ mình khỏi đạn pháo được bắn từ Gaza, Hezbollah và các lực lượng thân Iran khác ở Yemen, Syria và Iraq. Trong mỗi trường hợp, quyết định dựa vào chiến lược phòng thủ, cụ thể là dựa vào hệ thống phòng không Vòm Sắt, đã làm giảm khả năng răn đe của Israel. Ví dụ, ở phía Bắc, Israel hay di tản người dân khỏi biên giới hơn là đối đầu với Hezbollah.
Lãnh đạo trước đây của Israel, như cựu Thủ tướng David Ben-Gurion, cho rằng nước này phải đối mặt với những đối thủ nguy hiểm và cách tốt nhất để phòng thủ là tấn công và đánh bại họ một cách nhanh chóng. Israel trước đây cũng hiểu rằng để kẻ thù bao vây mình bằng các hệ thống vũ khí tiên tiến sẽ gây nguy hiểm cho đất nước. Đây là lý do tại sao Israel luôn tìm cách mua các loại vũ khí tiên tiến mới có khả năng thay đổi cục diện chiến trường và từ chối cung cấp các loại vũ khí tương tự ra bên ngoài.
Tất cả những điều trên đã thay đổi trong thập kỷ rưỡi qua khi chiến lược của Israel thay đổi. Nước này chuyển từ trạng thái sẵn sàng cho những cuộc chiến tranh táo bạo, nhanh chóng để đánh bại đối thủ sang trở thành một quốc gia được bao quanh bởi những bức tường rào biên giới.
Điều này cho phép những đối thủ như Hezbollah và Hamas trở nên mạnh mẽ hơn. Các chuyên gia an ninh Israel nói với người dân rằng điều này là ổn vì Tel Aviv cũng đang tiến bộ về năng lực quân sự. Người Israel được thông báo rằng vũ khí chính xác có thể vô hiệu hóa các mối đe dọa.
Sau ngày 7/10 năm ngoái, Israel vẫn tiếp tục dựa vào học thuyết coi phòng không như một chiến lược chủ đạo. Chính phủ nước này đã sơ tán người dân ở miền Bắc và miền Nam, đồng thời tin rằng phòng không tiếp tục giúp họ có thêm thời gian.
Tuy nhiên, ngay cả trong những cuộc xung đột trước đó, chẳng hạn như các cuộc đụng độ ở Gaza năm 2018 và 2021, hay các cuộc giao tranh diễn ra trong thời gian ngắn, sống dưới làn đạn rocket liên miên và di tản khỏi biên giới không phải là học thuyết thành công.
Các nhà lãnh đạo Israel trước đây cho rằng điều này có thể dẫn đến thảm họa. Israel là một quốc gia nhỏ và những cuộc chiến tranh bất tận chống lại Hamas, Hezbollah và những lực lượng thân Iran khác không phải là công thức cho những thành công của Israel.
Tóm lại, tờ Jerusalem Post kết luận, Israel sẽ cần phải xem xét lại chiến lược phụ thuộc vào phòng không. Các biện pháp phòng thủ đã chuyển từ kéo dài thời gian sang làm xói mòn khả năng răn đe của Israel và ngăn cản Tel Aviv đưa ra những quyết định cần thiết để bảo vệ đất nước.