Tiết lộ về phương tiện được NATO lần đầu dùng ngăn chặn phá hoại cáp ngầm ở biển Baltic

Loại trang bị này sẽ tham gia vào nỗ lực mới của NATO mang tên Baltic Sentry, được thúc đẩy bởi các vụ phá hoại nghi ngờ liên quan đến cáp ngầm dưới biển Baltic.

Chú thích ảnh
Hải quân Mỹ đã hoàn thành thử nghiệm phương tiện quân sự không người lái dưới nước (UUV) cỡ lớn Manta Ray, được thiết kế cho các nhiệm vụ đường dài. Ảnh: Northrop Grumman

Trong những tuần tới, các phương tiện mặt nước không người lái (USV), còn được gọi là thuyền không người lái hay xuồng không người lái, sẽ tham gia chiến dịch Baltic Sentry nhằm bảo vệ các tuyến cáp điện và cáp thông tin liên lạc chạy dưới biển Baltic khi mà một số trong đó gần đây đã bị phá hoại. Các USV sẽ hỗ trợ thiết lập một bức tranh hoạt động hỗn hợp tăng cường, giúp các quốc gia tham gia có cái nhìn rõ hơn về các mối đe dọa tiềm tàng và tăng tốc thực hiện các biện pháp ứng phó.

Một chỉ huy cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết đây là lần đầu tiên liên minh sử dụng USV theo cách này. Theo Đô đốc Pierre Vandier, Tư lệnh Tối cao Bộ Chỉ huỷ Chuyển đổi Đồng minh (SACT), NATO kỳ vọng trong chưa đầy vài tuần sẽ triển khai những chiếc USV tới Bộ Chỉ huy Hải quân Đồng minh (MARCOM) và sau đó sẽ bắt đầu sử dụng chúng để giám sát các khu vực quan trọng 24/7.

Sau một cuộc họp của các lãnh đạo quốc phòng NATO hôm 16/1, Đô đốc Vandier cho biết kế hoạch của NATO là tạo ra “một mạng lưới duy nhất” tích hợp “tất cả hình ảnh, video qua chụp được, quay được cũng như hình ảnh mà radar ghi nhận cùng Hệ thống Tự động hóa Tích hợp (IAS)”, sau đó chia sẻ dữ liệu thu được “với tất cả các bên liên quan”, tạo điều kiện thuận lợi để phân tích nhanh hơn và đưa ra khuyến nghị hành động nhanh hơn cho nhiều bên liên quan, dù đó là ngành công nghiệp, lực lượng bảo vệ bờ biển hay cảnh sát quốc gia.

Theo Đô đốc Vandier, nỗ lực này lần đầu tiên được triển khai để thử nghiệm cách giải quyết vấn đề trong quá trình vận hành.

Trong khi đó, một người phát ngôn của NATO nói với The War Zone vào chiều 17/1 rằng sẽ có ít nhất 20 USV được phân bổ cho chiến dịch Baltic Sentry và hiện nay, Bộ Chỉ huy Chuyển đổi Đồng minh (ACT) cùng Bộ Chỉ huy Tác chiến Đồng minh của NATO đang “hoàn thiện các khả năng cụ thể cần thiết”.

“Những yêu cầu này sẽ tập trung vào việc cung cấp nhận thức tình huống, thông qua các cảm biến thụ động (bao gồm hình ảnh và phổ điện từ) và triển khai đủ số lượng nền tảng cần thiết để bao phủ các khu vực quan tâm”, người phát ngôn này giải thích. “Sáng kiến này dự kiến sẽ phát triển theo từng giai đoạn, cho phép mở rộng nỗ lực, tích hợp công nghệ mới hoặc khác, và mở rộng các lĩnh vực hoạt động”, ông nói thêm

Tuy nhiên, theo người phát ngôn này, loại USV cụ thể vẫn chưa được xác định và trong giai đoạn đầu của thử nghiệm, các USV sẽ “được điều khiển dưới sự kiểm soát của con người” trong khi “các giai đoạn sau sẽ bao gồm mức độ tự động hóa cao hơn". Các USV sẽ bổ sung cho khoảng hơn chục tàu cũng như một số lượng không xác định máy bay tuần tra hàng hải có người lái đã được cam kết dành cho chiến dịch Baltic Sentry.

Đây là chiến dịch thành lập sau vụ nghi ngờ phá hoại tháng trước liên quan đến các cáp điện và cáp thông tin liên lạc dưới biển giữa Phần Lan và Estonia, được Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte công bố ngày 14/1, nhằm bảo vệ các tuyến cáp ngầm dưới biển Baltic sau một loạt sự cố làm gia tăng nỗi lo ngại về hoạt động phá hoại và do thám tại khu vực chiến lược này.

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký NATO, Mark Rutte, đã đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các Đồng minh Biển Baltic vào ngày 14/1/2025, cùng với Tổng thống Alexander Stubb của Phần Lan và Thủ tướng Kristen Michal của Estonia. Tại cuộc họp, ông Rutte đã công bố việc khởi động một hoạt động quân sự mới của NATO mang tên “Baltic Sentry” nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO ở Biển Baltic và cải thiện khả năng của các đồng minh trong việc ứng phó với các hành động gây bất ổn. Ảnh: NATO

Theo các cơ quan chức năng Phần Lan, tàu chở dầu Eagle S đã làm đứt cáp điện ngầm Estlink 2 và bốn cáp viễn thông bằng neo của nó. Con tàu, được phát hiện chứa đầy thiết bị gián điệp, đã bị bắt giữ và các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra.

Nghi ngờ phá hoại cáp điện Estlink 2 là sự cố mới nhất trong một loạt các vụ việc tương tự trong khu vực.

Vào tháng 11/2024, Đức thông báo rằng hư hại đối với hai tuyến cáp thông tin chạy dưới biển Baltic rất có thể là kết quả của hành vi phá hoại. Hai tuyến cáp này đều là cáp quang, nằm dưới đáy biển Baltic, một kết nối đảo Gotland của Thụy Điển với Litva (Lithuania) và tuyến còn lại nối Phần Lan với Đức. Đảo Gotland cách vị trí cáp Estlink 2 bị cắt đứt khoảng 280 dặm về phía Tây Nam.

Một ngày sau, Đan Mạch xác nhận đang theo dõi một tàu hàng Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến vụ hư hại này. Tàu Yi Peng 3 được xác định hoạt động gần các tuyến cáp này khi sự cố xảy ra. Con tàu Trung Quốc đã rời cảng Ust-Luga của Liên bang Nga, thuộc vùng Leningrad gần biên giới Estonia, vào ngày 15/11/2024 và dự kiến đến cảng Said của Ai Cập, vào ngày 3/12/2024.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin thông báo rằng cáp điện ngầm Norbalt nối Thụy Điển với Litva cũng có khả năng bị tàu Yi Peng 3 cố ý phá hoại. Con tàu hiện đang di chuyển qua Biển Đỏ.

Trong một thông cáo chung khi công bố về chiến dịch Baltic Sentry, các nhà lãnh đạo của Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Latvia, Litva, Ba Lan và Thụy Điển tuyên bố: “Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn, phát hiện và đối phó với bất kỳ nỗ lực phá hoại nào” và “bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào cơ sở hạ tầng của chúng tôi sẽ bi đáp trả mạnh mẽ và quyết liệt. Chúng tôi sẵn sàng quy trách nhiệm cho các hành động thù địch của các tác nhân xấu khi thích hợp”.

Xem video do Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (HUR) công bố ngày 31/12/2024 trên kênh Youtube nói rằng một đơn vị của họ đã lần đầu tiên bắn hạ một mục tiêu trên không bằng phương tiện mặt nước không người lái Magura trang bị tên lửa SeeDragon, phá hủy thành công một máy bya trực thăng Mi-8 của Liên bang Nga và làm hư hại một máy bay trực thăng khác. Nguồn: HUR/Youtube

USV đã thu hút sự chú ý toàn cầu từ cuộc chiến ở Ukraine, nơi chúng được sử dụng hiệu quả như vũ khí tấn công nhằm vào Liên bang Nga ở khu vực Biển Đen. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng như các công cụ trinh sát và giám sát cũng đang được Hải quân Mỹ và các hải quân khác như Trung Quốc, đánh giá.

Các USV của Mỹ thuộc nhiều loại khác nhau đã đóng vai trò ngày càng lớn trong việc theo dõi chuyển động của tàu và các hoạt động khác, cũng như tham gia các cuộc tập trận lớn ở Trung Đông.

Thử nghiệm USV trong chiến dịch Baltic Sentry sẽ được theo dõi chặt chẽ để đánh giá khả năng hoạt động tự động và cảm biến của chúng trong một trường hợp sử dụng thực tế, nổi bật. Dữ liệu từ các hệ thống này không chỉ giúp chống lại các mối đe dọa phá hoại ở vùng biển này, mà còn cung cấp hiểu biết sâu hơn về lợi ích và thách thức khi vận hành các hệ thống này trong thời gian dài.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo TWZ/NATO)
Nước NATO đầu tiên tuyên bố đáp ứng yêu cầu chi 5% GDP cho quốc phòng của ông Trump
Nước NATO đầu tiên tuyên bố đáp ứng yêu cầu chi 5% GDP cho quốc phòng của ông Trump

Trong một động thái nhằm củng cố quốc phòng, Litva (Lithuania) đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên mức từ 5 - 6% GDP, bắt đầu từ năm 2026, đáp ứng tối hậu thư của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN