Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không 'để mắt' tới lãnh thổ Syria

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi đưa tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 22/1 tuyên bố: Ankara không “để mắt” tới các vùng lãnh thổ của Syria và chiến dịch quân sự đang diễn ra ở vùng Afrin thuộc Syria sẽ kết thúc ngay khi Ankara đạt được các mục tiêu của mình.

Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ khu vực Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ tiến về phía Afrin, Syria ngày 21/1. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, phát biểu tại một sự kiện ở Ankara, ông Erdogan nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định nhắm đến các vùng lãnh thổ của một quốc gia khác. Chiến dịch ở Afrin sẽ kết thúc khi đạt được các mục tiêu của chúng tôi, giống như chiến dịch Lá chắn Euphrates”. Tổng thống Erdogan khẳng định chiến dịch “Nhành ô liu” ở Afrin không chỉ nhắm đến những tay súng người Kurd mà còn nhằm vào những phần tử khủng bố ở khu vực.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn nhấn mạnh: “Điều rất rõ ràng là chúng tôi không hề có vấn đề gì với các công dân người Kurd của chúng ta, đây cũng không phải hành lang của người Kurd. Vấn đề ở đây là nhằm phá hủy hành lang của khủng bố ở Syria”. Theo ông Erdogan, mục tiêu chính của chiến dịch quân sự này là nhằm góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân Syria, sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.
          
Bên cạnh đó, ông Erdogan cũng chỉ trích việc Mỹ hối thúc Ankara hạn chế quy mô và thời gian của chiến dịch “Nhành ô liu”, cho rằng chính giới chức Mỹ cũng không biết được cụ thể khi nào sẽ kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan hay Iraq.
          
Trong khi đó, theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), trong 3 ngày giao tranh ở Afrin, miền Bắc Syria, kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd, đã có ít nhất 54 người thiệt mạng. Theo SOHR, trong số này có 26 tay súng người Kurd thuộc Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) kiểm soát vùng biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, còn có 19 tay súng thuộc các nhóm vũ trang ủng hộ Ankara, đang sát cánh chiến đấu cùng lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara khẳng định cho đến nay quân đội nước này chưa gặp tổn thất nào trong chiến dịch trên.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày đã lên tiếng về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bày tỏ nước này quan ngại trước động thái của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria và đề nghị cả hai bên thể hiện sự kiềm chế. Ông nhấn mạnh Mỹ muốn "thấy điều mà chúng ta có thể làm để phối hợp cùng nhau giải quyết những quan ngại an ninh chính đáng của Thổ Nhĩ Kỳ".

Còn Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini cũng bày tỏ hết sức lo ngại về các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát ở miền Bắc Syria.

Trong một cuộc họp báo tại Brussels, bà Federica Mogherini cho rằng cần phải đảm bảo đường tiếp cận viện trợ nhân đạo được thông suốt, đồng thời nhấn mạnh chiến dịch quân sự do Ankara tiến hành tại miền Bắc Syria sẽ phá hoại nghiêm trọng nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva giữa phe đối lập và chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

*Ngày 22/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thảo luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tấn công nhằm vào Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Afrin, Syria, động thái khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria thêm trầm trọng. Tuy nhiên, HĐBA không lên án hay yêu cầu Ankara chấm dứt chiến dịch quân sự này.

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, tại cuộc họp được tiến hành theo yêu cầu của Pháp, quan chức phụ trách hoạt động nhân đạo của LHQ, ông Mark Lowcock đã thông báo kết quả chuyến công tác gần đây của ông tới Syria. Ngoài ra, các nước thành viên cũng thảo luận về cuộc tấn công mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như chiến dịch tại Idlib và Đông Ghouta ở Syria. Một nguồn tin ngoại giao cho hay Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley không tham dự cuộc họp này. Kết thúc cuộc họp kín diễn ra tại trụ sở LHQ ở New York, Đại sứ Pháp Francois Delattre cho biết về cơ bản, các thành viên nhấn mạnh đến việc Thổ Nhĩ Kỳ cần có sự kiềm chế, và nói thêm rằng Pháp "quan tâm tới an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, các vùng lãnh thổ và đường biên giới của họ".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Mỹ đang "rất cảnh giác" với diễn biến hiện nay liên quan đến chiến dịch trên của Thổ Nhĩ Kỳ.  Theo ông, không chỉ bộ này mà các quan chức cấp cao Mỹ cũng đang theo dõi sát sự việc này. Ông thừa nhận những quan ngại an ninh chính đáng của Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước đang hợp tác thông qua các kênh quan giao cũng như quân sự. Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết thêm phía Ankara cũng đã thông báo với Washington trước khi tiến hành chiến dịch lớn mang tên "Nhành Ôliu".


Trước đó, ngày 20/1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thông báo bắt đầu tiến hành chiến dịch "Nhành Ôliu" nhằm đánh bật YPG khỏi Afrin, Syria. Quyết định này được đưa ra sau khi Mỹ thông báo  kế hoạch thiết lập Lực lượng An ninh biên giới (BSF) dọc biên giới dài 900km ở phía Bắc Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó lực lượng YPG là chủ chốt, động thái khiến Ankara tức giận. Chiến dịch này được nhìn nhận là bước đi nhạy cảm bởi  Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, YPG lại được Mỹ hậu thuẫn và được coi là có vai trò trong chiến dịch đẩy lùi tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ra khỏi các thành trì tại Syria. Hiện lực lượng này cũng đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở miền Bắc Syria.

*Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, bày tỏ mối lo ngại về tình trạng leo thang bạo lực ở miền Tây Bắc Syria và các hệ quả xấu đe dọa người dân địa phương. Ngoại trưởng hai nước đều thống nhất rằng tiến trình chính trị ở Syria nên tiếp tục được duy trì trên cơ sở có sự tham gia của tất cả các bên.

Liên quan đến tiến trình tìm giải pháp hòa bình trong vấn đề Syria, cùng ngày, ông Aldar Khalil (An-đa Kha-li), chính trị gia người Kurd ở Syria, cho biết các quan chức người Kurd ở nước này có thể sẽ không tham dự Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga lên kế hoạch, cho rằng hội nghị này là "vô nghĩa" vì Moskva có liên quan đến chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin.

Ông Aldar Khalil, đồng lãnh đạo Phong trào Xã hội dân chủ nhấn mạnh nhiều khả năng các quan chức người Kurd sẽ không đến Sochi để tham dự hội nghị trên. Trước đó, các quan chức trong chính quyền người Kurd ở miền Bắc Syria cho biết họ đã được mời tham dự hội nghị và dự tính sẽ nhận lời.

TTXVN/Báo Tin tức
Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ 'hành động kiềm chế' tại Syria
Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ 'hành động kiềm chế' tại Syria

Thổ Nhĩ Kỳ cần "hành động kiềm chế" và tránh gây thương vong cho dân thường trong chiến dịch quân sự mang tên "Nhành Ôliu" do nước này phát động nhằm đánh bật Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Afrin, Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN