Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng thông tấn Iran dẫn lời Bộ trưởng Hatami nhấn mạnh, với sức mạnh quốc phòng hiện có, không thể có bất kỳ cường quốc nước ngoài nào có thể đe dọa về quân sự với quốc gia Hồi giáo. Ông cũng đề cập đến vai trò quân sự của Iran trong cuộc chiến chống các lực lượng cực đoạn tại Iraq và Syria.
Trong khi đó, hãng Fars News đưa tin các sinh viên Iran đã tập trung bên ngoài văn phòng cũ Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran nhằm phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có tên gọi "Kế hoạch Hành động chung toàn diện" (JCPOA) ký giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức). Tuy nhiên, nguồn tin không nêu rõ có bao nhiêu sinh viên tham gia biểu tình.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iraq đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những "diễn biến nguy hiểm" gần đây từ quyết định của Tổng thống Trump, cho rằng đây là một quyết định "vội vã". Cơ quan này đánh giá rằng chính thỏa thuận hạt nhân này đã góp phần đem lại hòa bình tại Trung Đông.
Từ Seoul, Nhà Xanh cho biết Hàn Quốc sẽ tiến hành hạn chế tối đa ảnh hưởng từ quyết định của Mỹ liên quan đến JCPOA đối với các công ty Hàn Quốc. Trong một thông báo, Nhà Xanh cũng bày tỏ ủng hộ các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề Iran một cách hòa bình.
Tại Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Raveesh Kumar nêu rõ Ấn Độ luôn duy trì quan điểm rằng vấn đề hạt nhân của Iran nên được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại và ngoại giao, với sự tôn trọng quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Tehran. Do đó, Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên nên can dự một cách xây dựng để giải quyết các vấn đề phát sinh theo hướng tôn trọng JCPOA.
Trước đó, trong bài phát biểu chiều 8/5 (rạng sáng 9/5 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA. Trong tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh để đảm bảo Iran không đạt được vũ khí hạt nhân, và sẽ phối hợp với các bên khác để giải quyết ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Phản ứng trước quyết định của Mỹ, lãnh đạo Pháp, Đức và Anh đã tái khẳng định "duy trì cam kết" với thỏa thuận hạt nhân Iran, nhấn mạnh thỏa thuận này có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh chung của ba nước.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nêu rõ sau khí rút khỏi thỏa thuận JCPOA, trách nhiệm của Mỹ là đề ra cách thức xây dựng giải pháp mới cho mối quan ngại chung. Ông cho biết mặc dù không phản đối mục tiêu của Tổng thống Trump là tìm ra giải pháp dài hạn cho vấn đề hạt nhân và các chính sách khác của Iran, song vấn đề đặt ra là Mỹ làm sao đạt được điều này. Bên cạnh đó, quan chức này cũng khẳng định London sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ lợi ích thương mại của Anh.