Tại sao Mỹ đẩy nhanh đưa bom hạt nhân mới tới châu Âu?

Chuyên gia Nga giải thích lý do Mỹ đẩy nhanh việc triển khai bom nhiệt hạch mới tới châu Âu.

Chú thích ảnh
Một quả bom hạt nhân B61 của Mỹ. Ảnh: TASS

Theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti, Lầu Năm Góc đang đẩy nhanh việc triển khai bom hạt nhân B61-12 được nâng cấp tới các căn cứ của NATO ở châu Âu nhằm mục đích "răn đe" đối thủ cạnh tranh của mình là Moskva.

Truyền thông Mỹ đưa tin, Lầu Năm Góc sẽ triển khai bom hạt nhân B61-12 đã được nâng cấp đến các căn cứ NATO tại châu Âu trong tháng 12 tới, sớm hơn với kế hoạch ban đầu là vào mùa xuân 2023.

Phía Mỹ giải thích rằng chương trình tái nâng cấp các kho vũ khí hạt nhân ở châu Âu của Mỹ đã được lên kế hoạch từ lâu, với ngân sách là 10 tỷ USD. Bom nhiệt hạch B61-12 sẽ thay thế các phiên bản trước đó, bao gồm một số loại đã được triển khai ở Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số chuyên gia cho rằng việc tái vũ trang của Mỹ được đẩy nhanh do tình hình thù địch ở Ukraine, nhưng Lầu Năm Góc phủ nhận điều này.

“Việc hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân B61 của Mỹ đã được tiến hành trong nhiều năm qua, và các phương án để đổi những loại vũ khí cũ một cách an toàn và có trách nhiệm bằng phiên bản bom B61-12 được cải tiến là một phần của nỗ lực hiện đại hóa đã được lên kế hoạch trong dài hạn. Không có mối liên hệ nào với những sự kiện hiện tại”, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Ryder nêu rõ.

Quá trình đẩy nhanh việc triển khai trên diễn ra trong bối cảnh NATO tiến hành cuộc tập trận răn đe hạt nhân Steadfast Noon diễn ra từ ngày 17-30/10 với sự tham gia của 14 quốc gia và khoảng 60 máy bay quân sự. Trong khi đó, mức độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng Mỹ ở châu Âu đã được nâng lên cấp độ DEFCON 2. Trước đây, mức độ này chỉ xảy ra trong cuộc khủng hoảng Caribe và trước thềm Chiến dịch Bão táp sa mạc. Chế độ sẵn sàng chiến đấu này cho phép một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa chống lại kẻ thù.

Konstantin Sokolov, Phó Chủ tịch Học viện Các vấn đề Địa chính trị ở Moskva nhận định: “Việc đẩy nhanh triển khai trong bối cảnh như vậy có vẻ không rõ ràng. Đây chắc chắn là một hành động đe dọa nhằm vào Nga cũng như để khuyến khích quân đội Ukraine hành động tích cực hơn trên các mặt trận. Lực lượng vũ trang Ukraine có thể cho rằng Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì vì họ. Nhưng thực tế, Washington sẽ không bao giờ 'tự sát' và họ biết rõ rằng không cần thiết phải xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân".

Một số tính năng kỹ chiến thuật của B61-12

Lầu Năm Góc đã được trang bị bom B61 ​​vào năm 1968 - thay vì loại B53 lỗi thời. Loại B61 nhỏ gọn hơn với trọng lượng khoảng 320 kg, dài 3,5 mét và đường kính 33 cm, có thể vừa là vũ khí chiến thuật vừa là vũ khí chiến lược tầm trung.

Trong Chiến tranh Lạnh, chúng được coi là vũ khí quan trọng để chiến đấu với Liên Xô trên chiến trường châu Âu. Ở châu Âu, có khoảng 180 quả bom trong các phiên bản chiến thuật - chủ yếu là B61-11, được triển khai vào năm 1997. Chúng được lưu trữ tại các cơ sở quân sự của Mỹ, đặc biệt là tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức.

Một số tính năng của B61-12 là nó được trang bị hệ thống dẫn đường bằng GPS và tia laser ở mũi. Thiết kế của B61-12 cũng cho phép nó được triển khai trên máy bay siêu thanh và các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và F-22 mới nhất sẽ được trang bị loại bom này. Tuy nhiên, tốc độ và khả năng tàng hình của máy bay trong trường hợp này sẽ giảm xuống rõ rệt.

Sức công phá của B61-12 khoảng 50 kiloton, tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT (gấp 2 - 3 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima, Nhật Bản), với độ tấn công chính xác các mục tiêu có sai số trong phạm vi bán kính 30 mét. Điều này cho phép B61-12 có thể đánh thẳng vào các boong-ke kiên cố, sở chỉ huy, sân bay.

Điều làm cho B61-12 trở thành loại vũ khí hạt nhân nguy hiểm trong kho vũ khí của Mỹ là tính khả dụng của nó. B61-12 có năng suất tối đa là 50 kiloton nhưng hiệu suất này có thể được hạ xuống khi cần thiết để đáp ứng bất cứ nhiệm vụ cụ thể nào. 

Tuy nhiên, B61-12 cũng có những mặt hạn chế đáng kể. Để đến khu vực ném bom, máy bay mang B61-12 có thể sẽ phải đi vào vùng phủ sóng phòng không của đối phương. Dù kế hoạch sửa đổi lần này có tiến bộ đến đâu, tầm bắn của nó vẫn kém tên lửa phòng không. Điều này có nghĩa là máy bay mang bom B61-12 vẫn có thể bị bắn hạ.

Công Thuận/Báo Tin tức
Mỹ khởi động kế hoạch truy vết mạnh mẽ vũ khí cấp cho Ukraine
Mỹ khởi động kế hoạch truy vết mạnh mẽ vũ khí cấp cho Ukraine

Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố kế hoạch theo dõi mạnh mẽ hơn vũ khí cung cấp cho Kiev, đồng thời bày tỏ lo ngại các lực lượng Nga có thể thu giữ và sử dụng vũ khí Mỹ để làm giả một cuộc tấn công của Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN