Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Bắc Phi, mặc dù các cửa hàng đã mở cửa, phương tiện giao thông công cộng đã hoạt động trở lại, cùng với lời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình được đưa ra nhưng đa số người dân vẫn không ra khỏi nhà vì lo ngại các hoạt động đàn áp của lực lượng an ninh.
Sau khi Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đến Khartoum ngày 7/6, đến lượt Mỹ thể hiện nỗ lực hoà giải nhằm tìm ra giải pháp chính trị và hoà bình cho cuộc khủng hoảng Sudan. Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định cử ông Donald Booth - một nhà ngoại giao kỳ cựu - là phái viên đặc biệt đến Sudan để thảo luận với các bên liên quan.
Ngày 8/6 vừa qua, các nhà lãnh đạo biểu tình tại Sudan đã phát động một chiến dịch “bất tuân dân sự” trên quy mô cả nước sau cuộc đàn áp của lực lượng chức năng nhằm vào người biểu tình, khiến hơn 100 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Kể từ khi chiến dịch bắt đầu, hầu hết các doanh nghiệp đã đóng cửa và người dân không tham gia vào bất cứ một hoạt động xã hội nào. Trong 3 ngày diễn ra chiến dịch “bất tuân dân sự”, thủ đô Khartoum gần như tê liệt khi hầu hết doanh nghiệp tại Sudan đã dừng hoạt động và người dân không tham gia vào bất cứ một hoạt động xã hội nào. Ngày 11/6, ông Mahmour Drir - phái viên của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed - người đóng vai trò trung gian hoà giải giữa quân đội và người biểu tình tại Sudan cho biết phe đối lập và quân đội đã đồng ý sớm nối lại đàm phán.
Việc chấm dứt chiến dịch "bất tuân dân sự" được đánh giá là bước đột phá lớn. Cũng theo ông Dirir, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) tại Sudan đã đồng ý trả tự do cho các tù nhân chính trị như một biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên.