Sức ảnh hưởng của Washington tại châu Á có thể gặp phải các vấn đề nghiêm trọng sau khi nước này thúc đẩy viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.
Đài Sputnik trích dẫn nội dung đăng trên một tờ báo của Mỹ cho hay: “Mỹ đang sử dụng vũ khí quá nhanh, đến mức có thể làm suy yếu khả năng răn đe của Washington ở Đông Á trong thời gian ngắn”.
Theo tờ báo này, Đông Á là khu vực có tầm quan trọng đối với sự thịnh vượng của người Mỹ hơn là Ukraine, đặc biệt là ở đây có đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.
Báo cáo trên xuất hiện sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố chiến lược quốc phòng mới hồi cuối tháng 10, trong đó mô tả Trung Quốc là mối nguy hiểm lớn nhất đối với nền an ninh của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin viết trong phần giới thiệu chiến lược rằng “Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất của chúng ta trong những thập kỷ tới”.
Năm 2022, Tư lệnh Vệ binh Quốc gia Mỹ, Tướng Dan Hokanson cho hay quân đội Mỹ đang tìm cách tăng cường các chương trình huấn luyện quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Sáng kiến huấn luyện Vệ binh Quốc gia Mỹ được khởi xướng từ năm 2002. Kể từ đó, lực lượng bảo vệ này đã bổ sung thêm 15 trong số 36 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương vào chương trình. Trong số đó có Bangladesh, Campuchia, Fiji, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Papua New Guinea, Philippines, Sri Lanka, Maldives, Thái Lan, Timor-Leste, Tonga và Việt Nam.
Washington và Bắc Kinh vẫn bất hòa về hàng loạt vấn đề, trong đó có tình hình liên quan đến hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc). Bắc Kinh thất vọng trước việc Washington ngày càng tăng cường bán vũ khí cho Đài Bắc cũng như cam kết bảo vệ hòn đảo này của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Căng thẳng càng leo thang hơn nữa sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8, khiến Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần hòn đảo này để trả đũa.
Về vấn đề Ukraine, Washington đang tiếp tục cung cấp vũ khí và tiền cho Kiev, điều mà Moskva trước đó đã cảnh báo sẽ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột và khiến Mỹ trở thành một bên tham chiến trực tiếp. Trong dự luật chi tiêu trị giá 1,7 nghìn tỷ USD được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào cuối năm 2022 có gần 45 tỷ USD viện trợ cho Ukraine và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cũng trong năm 2022, một số chuyên gia đã cảnh báo Mỹ sắp hết vũ khí để gửi tới Ukraine. Ông Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phân tích kho dự trữ một số thiết bị của Mỹ đang chạm ngưỡng mức cần thiết tối thiểu để phòng bị cho các kế hoạch chiến tranh và huấn luyện. Theo ông Cancian, để kho vũ khí của Mỹ trở về mức trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine phải mất nhiều năm nữa.