Sức mạnh siêu trực thăng lưỡng thể V-280 vừa thắng thầu tỉ đô của quân đội Mỹ

Là một thiết kế lai giữa trực thăng và máy bay cánh cố định, V-280 có thể bay với tốc độ 555km/h, phạm vi chiến đấu đạt 1.400km và tầm hoạt động 3.900 km.

Chú thích ảnh
V-280 là một thiết kế lai giữa trực thăng và máy bay cánh cố định. Ảnh: The Drive

Nhà sản xuất hàng không Bell đã chiến thắng trong cuộc chạy đua đấu thầu của quân đội Mỹ để giành hợp đồng chế tạo Máy bay Tấn công Tầm xa Tương lai (FLRAA) - quyết định mua sắm máy bay trực thăng lớn nhất của lực lượng này trong 40 năm.

Máy bay trực thăng lưỡng thể V-280 Valor của Bell đã vượt qua đối thủ Defiant X do Sikorsky và Boeing sản xuất, trở thành máy bay thay thế cho phi đội trực thăng già nua UH-60 Black Hawk (Diều hâu đen) của quân đội Mỹ.

Hợp đồng sản xuất máy bay trực thăng thế hệ tiếp theo trị giá tới 1,3 tỷ USD và được thiết lập để thay thế khoảng 2.000 máy bay trực thăng đa dụng Black Hawk. FLRAA sẽ không đóng vai trò thay thế một đổi một cho các máy bay hiện có, nhưng nó sẽ đảm nhận vai trò của Black Hawk, vốn từ lâu là con ngựa thồ đưa binh sĩ đến và di chuyển trên chiến trường, vào khoảng năm 2030.

Tổng thể, hợp đồng sẽ cho phép thay thế khoảng 1.200 máy bay trực thăng tấn công Apache và các máy bay khác bằng cả FLRAA, Máy bay Trinh sát Tấn công tương lai (FARA) và máy bay không người lái Hiệu ứng Phóng từ trên không (ALE).

Quân đội Mỹ muốn FLRAA có khả năng di chuyển khoảng 2.440 hải lý (tương đương 4.500km) mà không cần tiếp nhiên liệu, nhưng cũng phải đủ nhanh nhẹn để điều động binh lính vào các điểm nóng nguy hiểm.

Chú thích ảnh
V-280 bay trên mặt nước. Ảnh: Bell

Giai đoạn phát triển kỹ thuật và sản xuất cũng như giai đoạn sản xuất tốc độ thấp có thể tốn kém khoảng 7 tỷ USD. Nếu phiên bản "hoàn thiện đầy đủ" của các máy bay được mua trong toàn bộ vòng đời của phi đội FLRAA, thì chương trình có thể trị giá khoảng 70 tỷ USD - theo giám đốc điều hành chương trình hàng không của quân đội Mỹ, Thiếu tướng Rob Barrie cho biết trong một hội nghị bàn tròn truyền thông vào ngày 5/12.

Sức mạnh của V-280 Valor

V-280 là một thiết kế lai giữa trực thăng và máy bay cánh cố định. Cánh quạt của động cơ có thể xoay lên phía trên để cất, hạ cánh và xoay về phía trước trong khi bay. V-280 sẽ kết hợp tốc độ nhanh của máy bay cánh cố định và khả năng cơ động, luồn lách của trực thăng.

V-280 Valor được phát triển từ năm 2013, là kết quả hợp tác giữa Bell Helicopter, Lockheed Martin, General Electric (GE) và một loạt công ty khác. Với kích thước nhỏ và linh hoạt, sử dụng công nghệ động cơ nghiêng Tilrotor, Bell V-280 Valor là kết hợp độc đáo giữa khả năng cơ động của trực thăng và tốc độ của phi cơ cánh cố định, cần ít không gian cất và hạ cánh.

Điểm đặc biệt của V-280 là động cơ phản lực được thiết kế cố định, trong khi các trục cánh được thiết kế chuyển đổi linh hoạt giữa chế độ trực thăng và cánh cố định, sử dụng hệ thống điều khiển cơ - điện tử 3 kênh, càng hạ cánh có thể thu được vào trong thân và cánh cửa khổ 1,8 m ở hai bên sườn cho phép đổ bộ binh sĩ nhanh chóng và chĩa súng tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

V-280 sở hữu đuôi hình chữ V lớn giúp máy bay hoạt động ổn định và tin cậy hơn. Nó có thể bay với tốc độ gấp đôi các trực thăng thông thường và tầm hoạt động rộng hơn rất nhiều so với các loại trực thăng hiện nay. Trong lần thử nghiệm gần đây, V-280 đạt tốc độ 555 km/h.

Xem video giới thiệu về chiếc V-280 Valor (Nguồn: Bell)

Máy bay của Bell có khả năng tiếp nhiên liệu trên không và hạ cánh trên địa hình phức tạp, khoang chứa rộng hơn trực thăng UH-60 25%, đặc biệt phù hợp cho việc sơ tán thương binh, thậm chí có thể cẩu theo một khẩu lựu pháo M777 bay với tốc độ 280 km/h.

Bell đã sử dụng vật liệu tổng hợp, xếp lớp theo cấu trúc tổ ong cùng với lõi carbon cho thân máy bay, cánh và đuôi, cho phép tiết kiệm 30% trọng lượng toàn máy bay trong khi vẫn có thể trang bị cabin chống đạn cho V-280 Valor. Có giá thành rẻ hơn V-22 và do thiết kế đặc thù, V-280 không chỉ mất một nửa thời gian để chế tạo so với V-22 mà lại có giá chỉ tương đương UH-60 Black Hawk.

Máy bay lưỡng thể cánh quạt nghiêng - phản lực V-280 có hai phiên bản vận tải và tấn công với các thông số cơ bản: dài: 15,4 m; rộng: 24,93 m; cao: 7 m; trọng lượng rỗng: 15.000 kg; trọng lượng cực đại khi cất cánh: 26.000 kg; động cơ: 2 động cơ tua-bin T64; cánh quạt: đường kính 11 m; tốc độ hành trình: 519 km/h; phạm vi tác chiến: 900 - 1.400 km; trần bay: 1.800 m; tầm hoạt động 3.900 km; kíp lái: 4; có thể chuyên chở: 14 binh sỹ, hoặc 5,4 tấn hàng hóa.

Phiên bản V-280 với pháo và tên lửa cùng một số vũ khí có lái dẫn khác, có khả năng phối hợp tác chiến cùng xe tăng Abrams, đảm đương nhiệm vụ chi viện hỏa lực trên không và triển khai các phương tiện bay không người lái mà không bị ảnh hưởng bởi hệ thống cánh quạt khi đang bay….

V-280 sử dụng công nghệ cảm biến tối tân của chương trình tiêm kích tàng hình F-35 - Hệ thống Phân phối Khẩu độ (DAS), được ví là “mắt của Chúa”. 6 camera hồng ngoại độ phân giải cao gắn trên thân máy bay cho phép quan sát 360 độ theo thời gian thực. Thông tin từ cảm biến của hệ thống DAS có thể hiển thị lên mũ bay tích hợp hoặc màn hình trong buồng lái, mang lại hiệu suất tác chiến vượt trội. 

Kết hợp với FARA - Máy bay Trinh sát Tấn công Tương lai

Thỏa thuận về máy bay Bell V-280 Valor là một trong những hợp đồng được mong đợi nhất của quân đội Mỹ trong năm 2022. Các chương trình mua sắm lớn của Lầu Năm Góc thường bị phản đối và gây áp lực.

Chú thích ảnh
Máy bay Defiant X của Sikorsky và Boeing thua thầu trước V-280 của Bell. Ảnh: The Drive

Giám đốc điều hành chương trình hàng không của quân đội Mỹ, Thiếu tướng Rob Barrie từng phát biểu với Defense News: “Đây là vụ mua sắm cạnh tranh lớn nhất và phức tạp nhất mà chúng tôi đã thực hiện trong lịch sử hàng không Lục quân. Hệ thống đó sẽ tồn tại với chúng tôi trong một thời gian dài; không cần phải nói rằng chúng tôi muốn đảm bảo mọi thứ được thực hiện một cách chính xác và kỷ luật.”

Trong một tuyên bố ngày 5/12, Scott Donnelly, giám đốc điều hành của Textron, cho biết công ty “rất vinh dự khi quân đội Mỹ đã chọn Bell V-280 Valor làm máy bay tấn công thế hệ tiếp theo của mình. Chúng tôi dự định tôn vinh sự tin tưởng đó bằng cách xây dựng một hệ thống vũ khí biến đổi và thực sự đáng chú ý để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ của quân đội.”

Trong nỗ lực hiện đại hóa phi đội máy bay cất cánh thẳng, quân đội Mỹ cũng đang lên kế hoạch phát triển và triển khai FARA (Máy bay Trinh sát Tấn công tương lai) gần như cùng một mốc thời gian để thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Nhiệm vụ này lâu nay bị bỏ trống khi quân đội quyết định cho các máy bay trực thăng Kiowa Warrior nghỉ hưu vào năm 2013. Kể từ đó, quân đội đã tìm cách lấp đầy khoảng trống bằng các đội trực thăng Apache và hệ thống máy bay không người lái Shadow.

Chú thích ảnh
Máy bay V-280 trong một chuyến bay thử nghiệm. Ảnh: Bell

Về phần mình, trong một tuyên bố được gửi đi sau khi quân đội Mỹ công bố giải thưởng cho Bell, bên thua thầu, nhà sản xuất Sikorsky và Boeing cho biết họ “vẫn tin tưởng DEFIANT X là chiếc máy bay chuyển đổi mà quân đội Mỹ cần để hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp của mình ngày nay và cả trong tương lai.”

Cả hai loại máy bay FLRAA của Bell Sikorsky/Boeing đều đã trải qua vài năm để ghi lại các chuyến bay thử nghiệm. Trước khi Bell ngừng hoạt động thử nghiệm với chuyến bay vào tháng 6/2021, V-280 đã bay được hơn 214 giờ và thể hiện sự cơ động cả ở tốc độ thấp cũng như khả năng hành trình tầm xa, đồng thời đạt tốc độ hành trình tối đa 555km/giờ.

Nguyên mẫu FLRAA của Bell sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2025. Nghĩa vụ hợp đồng ban đầu là 232 triệu USD, với mức trần là 1,3 tỷ USD nếu các lựa chọn ngoài hợp đồng ban đầu được thực hiện.

FLRAA dự kiến ​​sẽ gia nhập phi đội trực thăng Mỹ vào năm 2030, cùng thời điểm Máy bay Trinh sát Tấn công Tương lai (FARA) được lên kế hoạch đưa vào sử dụng. Bell và Lockheed Martin đang cạnh tranh hợp đồng sản xuất FARA.

Quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai FARA cùng với FLRAA vào khoảng năm 2030. Hai nhóm xây dựng nguyên mẫu đang nhắm mục tiêu đưa hai loại máy bay này vào hoạt động từ cuối năm 2023. Máy bay của mỗi đội gần như đã hoàn thiện và đang chờ động cơ mới của quân đội được chuyển giao theo Chương trình Động cơ Tuabin Cải tiến (ITEP).

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Defensenews, Drive)
Xung đột ở Ukraine: Bước ngoặt nguy hiểm sau các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga
Xung đột ở Ukraine: Bước ngoặt nguy hiểm sau các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga

Ba vụ tấn công bằng máy bay không người lái chỉ trong hai ngày vào căn cứ không quân của Nga đang cho thấy một giai đoạn mới của cuộc xung đột với Ukraine, trong bối cảnh Kiev nỗ lực vươn tầm tấn công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN