Ba lựa chọn Nga có thể sử dụng để đáp trả EU vì động thái áp trần giá dầu

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo động thái áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga có thể khiến các khoản đầu tư toàn cầu vào ngành này giảm mạnh, từ đó sẽ dẫn đến giá dầu tăng vọt.

Chú thích ảnh
Các máy bơm dầu tại giếng dầu Imilorskoye ở Kogalym, vùng Siberi, Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo đài Sputnik (Nga), Moskva đang cân nhắc 3 lựa chọn khả thi để đáp trả việc Liên minh châu Âu (EU) và nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) đưa ra mức giá trần đối với dầu mỏ Nga.

Dẫn một số nguồn tin giấu tên thân cận với Chính phủ Nga, Sputnik cho biết kịch bản đầu tiên đó là Nga sẽ quy định cấm hoàn toàn bán dầu thô cho các quốc gia áp giá trần - bao gồm cả các thành viên G7, những quốc gia ủng hộ mức giá trần. Điều này áp dụng ngay cả khi nước đó mua dầu Nga qua trung gian hoặc dây chuyền của Nga.

Trong lựa chọn thứ hai, Nga dự định cấm xuất khẩu dầu đối với các hợp đồng có chứa các điều khoản liên quan đến cơ chế giới hạn giá dầu, bất kể quốc gia nào đóng vai trò là người nhận hàng.

Ngoài ra, ở kịch bản thứ ba, Nga đang tính đến biện pháp áp “giá biểu thị". Theo đó, Moskva sẽ thiết lập mức chiết khấu tối đa dầu Urals so với các loại dầu tiêu chuẩn quốc tế dầu Brent. Các hợp đồng tiềm năng sẽ không được ký kết nếu mức chiết khấu tăng lên. Điều này có nghĩa là các hãng dầu Nga sẽ không được phép giảm giá quá mức này khi bán cho khách hàng. Mức chiết khấu trên sẽ thường xuyên được đánh giá lại dựa trên tình hình thị trường năng lượng toàn cầu.

Chú thích ảnh
Nhà máy lọc dầu Rosneft ở Gubkinsky, tây Siberia, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Những kịch bản trên được đưa ra sau khi EU đạt thỏa thuận áp giá trần đối với dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng nhằm trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine. G7 và Australia cũng đưa ra thông báo tương tự, khẳng định họ cũng sẽ từ chối giao dịch đối với dầu của Nga được bán trên 60 USD/thùng.

Cơ chế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12. Các công ty muốn tiếp cận dịch vụ bảo hiểm, vận chuyển, vay vốn của phương Tây khi mua dầu Nga sẽ phải trả bằng hoặc dưới mức trần. Theo các nguồn tin, mức giá trần sẽ được xem xét 2 tháng một lần, với cơ chế điều chỉnh được áp dụng để giữ mức trần giá thấp hơn ít nhất 5% so với mức chuẩn của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Người phát ngôn Điện Kremlin đã cảnh báo giá dầu của Nga sẽ thay đổi sau khi phương Tây đưa ra mức giá trần.

“Giá dầu sẽ thay đổi. Một điều rõ ràng và không thể phủ nhận đó là việc thông qua các quyết định này chính là bước tiến tới việc gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu”, ông Peskov nói với các phóng viênkhi được hỏi liệu người châu Âu và thế giới có nên chuẩn bị cho tình trạng giá cao hơn hay không, khi Mỹ thuyết phục các đồng minh rằng sẽ không có gì thay đổi.

Dầu mỏ vẫn là nguồn thu lớn Nga. G7 kỳ vọng khi áp trần giá, dầu Nga sẽ vẫn hiện diện trên thị trường toàn cầu, nhưng nguồn thu của Nga cho cuộc chiến tại Ukraine sẽ bị siết lại.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Novak cho biết thêm Nga đang thay đổi các chuỗi logistic để ứng phó việc phương Tây áp mức giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga. Theo ông Novak, Nga đang hợp tác với các nhà buôn nhỏ hơn khi tiến hành giao dịch dầu và đang sử dụng các chương trình bảo hiểm nguồn cung mới.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo khi phương Tây áp giá trần đối với dầu Nga, các nguyên tắc cơ bản vận hành nền kinh tế thế giới bị vi phạm và sự phân rã thị trường thế giới sẽ trở thành hiện thực. Ông nói rằng phương Tây sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng tăng trên thị trường năng lượng, trong khi Moskva dễ dàng tìm ra khách hàng mới có nhu cầu về dầu.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Dầu thô bị phương Tây áp giá trần, Nga vẫn có thể trở thành người chiến thắng cuối cùng
Dầu thô bị phương Tây áp giá trần, Nga vẫn có thể trở thành người chiến thắng cuối cùng

Các chuyên gia năng lượng chỉ ra cơ chế áp trần giá dầu của G7 (7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới) không những không khiến Nga tổn hại mà còn đẩy nhanh tình trạng lạm phát và suy thoái ở phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN