Doanh thu bán vũ khí của Hàn Quốc tăng gấp đôi sau cuộc xung đột ở Ukraine

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã mở ra cơ hội cho ngành xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc, khi các bên tìm cách thay thế vũ khí thời Liên Xô cũ bằng sản phẩm công nghệ cao hơn từ Seoul.

Chú thích ảnh
Các quan chức Ba Lan và Hàn Quốc đứng trước lô hàng xe tăng K2 và pháo tự hành K9 vừa cập cảng của Ba Lan. Ảnh: AFP

Tổng doanh thu xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc đạt khoảng 17 tỷ USD tính đến tháng 11/2022, tăng từ 7,25 tỷ đô USD trong một năm trước đó. Những nhà nhập khẩu chính gồm các quốc gia từng phụ thuộc vào kho dự trữ vũ khí cũ kỹ của Liên Xô nhiều thập qua, điển hình như Ba Lan, sau khi nhận thấy rằng những hệ thống đó không phù hợp với vũ khí trang bị cho Mỹ và các đồng minh.

Hàn Quốc đã nhận thấy quốc gia này có vị trí độc nhất trên thị trường vũ khí toàn cầu với các loại vũ khí có giá tương đối phải chăng, cũng như có thể đánh bại các hệ thống tên lửa thông thường thời Liên Xô.

Trong khi đó, Washington dường như đang bật đèn xanh cho đồng minh Seoul để tiếp tục bán vũ khí cho các quốc gia như Đông Âu, trong bối cảnh các nhà thầu quốc phòng của Mỹ chạy đua để thực hiện các đơn đặt hàng vũ khí sẽ được chuyển đến Ukraine và Đài Loan.

Ba Lan, quốc gia láng giềng với Ukraine, là khách hàng lớn nhất mua vũ khí Hàn Quốc kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Ngày 6/12, lô hàng vũ khí đầu tiên đã cập cảng Gdynia của Ba Lan, bao gồm 10 xe tăng K2 và 24 pháo tự hành K9. Số vũ khí này là một phần của thỏa thuận trị giá 5,76 tỷ USD mà hai đã đạt được hồi tháng 8, cùng với Hệ thống phòng thủ của Hyundai Rotem và Hanwha.

“Chúng tôi muốn hòa bình và do đó chúng tôi chuẩn bị cho chiến tranh”, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nói với các phóng viên. Ông đồng thời cho biết Ba Lan đang cung cấp cho quân đội các thiết bị hiện đại để đảm bảo an toàn cho quốc gia này. 

Chú thích ảnh
Ông Andrzej Duda (bên phải) kiểm tra các mẫu xe tăng K2. Ảnh: AFP

Hàn Quốc hiện được xếp hạng là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tám thế giới, theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Tổng thống Yoon Suk-yeol đang đặt mục tiêu đưa đất nước lên vị trí số 4 vào năm 2027 và coi ngành công nghiệp quốc phòng là động lực tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu ở những ngành khác sụt giảm.

“Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt để giành ưu thế về công nghệ, điều quan trọng là phải đảm bảo khả năng cạnh tranh về công nghệ để phát triển hệ thống vũ khí thay đổi cuộc chơi cho chiến tranh trong tương lai”, ông Yoon phát biểu tại cuộc họp về chiến lược xuất khẩu quốc phòng hồi tháng 11.

Mặc dù các hệ thống của Hàn Quốc có thể không tiên tiến về mặt kỹ thuật như một số vũ khí của Mỹ, nhưng chúng đã được chứng minh là có thể giúp quân đội khoảng 600.000 người của nước này đối phó với Triều Tiên có quân số gấp đôi và sử dụng vũ khí thô sơ hơn.

Hàn Quốc đã bán các mặt hàng như máy bay chiến đấu phản lực, xe tăng, bệ phóng nhiều tên lửa và pháo dẫn đường chính xác cho các nước như Ba Lan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập và Indonesia.

Ông Moon Seong-mook, một cựu tướng trong quân đội Hàn Quốc, cho biết vũ khí của Hàn Quốc nhìn chung được thị trường toàn cầu đón nhận nồng nhiệt nhờ hiệu quả về chi phí và giao hàng nhanh chóng, cũng như khả năng vận hành toàn diện và quản lý sau bảo hành. Ông hiện là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul. Cổ phiếu quốc phòng của các công ty như Hanwha Aerospace, Korea Aerospace Industries và LIG Nex1 đã tăng vọt kể từ xung đột nổ ra ở Ukraine vào tháng 2.

Một trong những thương vụ gần đây nhất là của Ba Lan được ký vào tháng 11 nhằm cung cấp cho nước này các hệ thống tên lửa phóng loạt Chunmoo của Hanwha Defense Systems với tổng trị giá 3,55 tỷ USD.

Các thỏa thuận này nằm ngoài gói dự án trị giá 3 tỷ USD được ký hồi tháng 9 để mua 48 máy bay FA-50, nhằm giúp Ba Lan loại bỏ các máy bay chiến đấu MiG của Nga. Tạp chí chuyên về quốc phòng Janes nhận xét các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc sẽ cung cấp khả năng chiến đấu “hạng nhẹ” vào thời điểm khẩn cấp, và sẽ tăng cường hỗ trợ cho các máy bay tiên tiến của phương Tây đang được triển khai.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan cho biết vào năm 2020, trước cuộc xung đột Nga - Ukraine, Warsaw đã ký một thỏa thuận đắt đỏ hơn để mua 32 máy bay chiến đấu F-35A từ Mỹ, với hợp đồng trị giá 4,6 tỷ USD.

Tổng thống Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh phát triển máy bay chiến đấu KF-21, còn được gọi là Boramae, như một giải pháp thay thế rẻ hơn cho F-35 Lightning II của Lockheed Martin. 

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)
Thách thức mới với ngành vũ khí của Nga và phương Tây do xung đột ở Ukraine
Thách thức mới với ngành vũ khí của Nga và phương Tây do xung đột ở Ukraine

Cuộc xung đột Nga - Ukraine không hoàn toàn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp vũ khí của cả Moskva và phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN