Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Tỷ lệ này thậm chí thấp so với các quốc gia phát triển khác có tỷ lệ sinh đang giảm, như 1,6 tại Mỹ và 1,3 tại Nhật Bản.
Tỷ lệ sinh cũng là một con số đáng báo động cho một quốc gia có dân số già đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lực lượng lao động và gia tăng nhóm người được hưởng lương hưu.
Các yếu tố là nguyên nhân khiến giới trẻ Hàn Quốc không muốn lập gia đình gồm giá nhà cao, chi phí giáo dục tăng.
Tại Hàn Quốc, vấn đề này thực sự nan giải và không thể giải quyết ngay cả khi chính phủ có đổ vào đó bao nhiêu tiền đi chăng nữa.
Tiền là chưa đủ
Trong chuyến thăm một nhà trẻ vào tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thừa nhận rằng chính phủ đã chi hơn 200 tỷ USD để tăng dân số trong 16 năm qua.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5, chính quyền của ông đã đưa ra một vài ý tưởng để giải quyết vấn đề này, bao gồm thành lập một ủy ban để thảo luận và hứa hẹn hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho trẻ sơ sinh. Khoản trợ cấp hàng tháng cho cha mẹ có con nhỏ dưới 1 tuổi sẽ tăng từ 300.000 won hiện tại lên 700.000 won vào năm 2023 và lên 1 triệu won vào năm 2024.
Tuy nhiên, công chúng vẫn rất hoài nghi về việc Tổng thống Yoon có thực sự là người sẽ giải quyết được vấn đề tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc tốt hơn những người tiền nhiệm hay không, sau khi nhà lãnh đạo đã có một vài phát ngôn gây tranh cãi về trẻ nhỏ.
Nhiều chuyên gia tin rằng cách tiếp cận vung tiền hiện tại là quá một chiều và thay vào đó, điều cần thiết là chính quyền cần nhìn ra phương án tiếp tục hỗ trợ trong suốt cuộc đời của đứa trẻ.
Tại hội chợ bán đồ sơ sinh, Kim Min-jeong, một người mẹ sắp chào đón đứa con thứ 2 trong tháng này, đang lướt qua các gian hàng. Người mẹ này không mấy ghi nhận những cam kết của chính phủ về quỹ hộ trợ: “Họ chỉ đổi tên và gộp các khoản tiền trợ cấp. Đối với những người làm cha mẹ như chúng tôi, không có thêm lợi ích nào khác”.
Cô Kim chỉ ra kể từ khi sinh em bé đầu, cô không thể ra ngoài làm việc và nguồn thu nhập của chồng cô không đủ để đưa con đến nhà trẻ tư.
Nhiều nhà trẻ được chính phủ tài trợ miễn phí nhưng một số vụ bê bối trong những năm gần đây liên quan đến việc người chăm sóc đánh trẻ sơ sinh đã khiến nhiều bậc cha mẹ tức giận.
Ngoài ra, yếu tố ngăn cản thanh niên Hàn Quốc không muốn lập gia đình và sinh con xuất phát từ các vấn đề xã hội. Trong số đó, có quy tắc bất thành văn về vai trò làm cha mẹ.
Trong khi việc có con là điều rất được các cặp vợ chồng ở Hàn Quốc mong đợi, xã hội vẫn không ủng hộ và có cái nhìn thiện cảm đối với những ông bố bà mẹ đơn thân. Phương thức điều trị IVF không được dành cho phụ nữ độc thân.
Giáo sư chuyên về luật Cho Hee-kyoung cho biết: “Chúng tôi vẫn có cách tiếp cận rất đơn thuần đối với các bà mẹ đơn thân. Cứ như thể họ đã làm sai điều gì đó khi mang thai ngoài giá thú vậy. Tại sao nhất thiết phải có hôn nhân mới có thể nuôi con?”.
Trong khi đó, các cặp vợ chồng có sự khác biệt về xu hướng tình dục cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Cho đến nay, Hàn Quốc chưa công nhận hôn nhân đồng giới và tiếp tục ban hành các quy định gây khó khăn cho các cặp vợ chồng chưa cưới nhận con nuôi.
Lee Jin-song, tác giả viết sách về xu hướng không kết hôn hoặc sinh con của những người trẻ tuổi, cho biết các chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh cần phải bao hàm nhiều hơn chứ không chỉ quan niệm truyền thống về hôn nhân giữa nam và nữ.
Lựa chọn độc thân
Tác giả Lee cho biết xã hội coi cô và những người khác như cô là ích kỷ vì không tuân theo những kỳ vọng truyền thống về hôn nhân và con cái, cho rằng họ bỏ bê nghĩa vụ đối với xã hội chỉ vì hạnh phúc riêng.
Lee nhấn mạnh phụ nữ trong một xã hội mang đậm tính gia trưởng đối mặt với áp lực sinh con. “Kết hôn, sinh con và chăm sóc con cái đòi hỏi người phụ nữ phải hy sinh quá nhiều trong một xã hội gia trưởng, đặc biệt là trong thập kỷ qua. Vì vậy, họ bắt đầu khám phá khả năng có thể sống tốt mà không cần kết hôn”, Lee giải thích.
Trong khi đó, Giáo sư Cho đồng tình khi cho rằng xã hội Hàn Quốc từ lâu luôn có suy nghĩ người bố ra ngoài làm việc, còn việc chăm sóc con cái, việc nhà là của người vợ, mặc dù người phụ nữ đó cũng đi làm.
“Tôi biết rất nhiều cặp vợ chồng mà người vợ thực sự kiếm được nhiều tiền hơn đàn ông, nhưng khi về nhà, người vợ phải làm việc nhà, chăm sóc con cái và động viên tinh thần chồng”, Giáo sư Cho chia sẻ.
Trong khi đó, những người chồng muốn tham gia nhiều hơn vào việc nuôi dạy con cái lại nhận ra rằng văn hóa công sở không cho phép họ làm điều đó.
Về mặt quy định của nhà nước, thời gian nghỉ phép của cha mẹ được tăng lên, nhưng ít người cảm thấy thoải mái khi họ xin nghỉ phép.
Chồng cô Kim, anh Park Kyung-su, cho biết anh hy vọng có thể giúp vợ chăm sóc khi em bé thứ 2 chào đời nhưng anh khẳng định công ty không dành cho anh bất kỳ ưu tiên nào cho việc có con nhỏ.
“Tôi có thể nghỉ phép nhưng việc đó sẽ ảnh hưởng đến mức độ đánh giá tôi làm việc và tôi sẽ cảm thấy không thoải mái”, Park nói.
Trong văn hóa làm việc tại Hàn Quốc, người lao động đặt gia đình lên hàng đầu hiếm khi được thăng chức.
Lee Se-eun, người có hai con trai 3 và 5 tuổi, cho biết cô mong chồng giúp đỡ nhiều hơn, nhưng anh ít khi về nhà đúng giờ. Cô chia sẻ: “Sẽ thật tuyệt nếu các công ty công nhận những nhân viên có con nhỏ, chẳng hạn như cho họ không cần tham gia các cuộc tiếp khách tối hoặc văn hóa nhậu với đồng nghiệp”.
Tại Hàn Quốc, công việc không kết thúc khi văn phòng đóng cửa. Thay vào đó, những người lao động tại đây phải đi ăn tối cùng sếp và đồng nghiệp để tăng cường tính đoàn kết trong công việc.
Lee từng làm trong một công ty môi giới và đã không làm việc trong 7 năm qua vì không muốn cho con trai đến nhà trẻ.
“Nuôi dạy một đứa trẻ là một điều rất quý giá, thiêng liêng và tốt đẹp theo quan điểm cá nhân tôi, nhưng đôi khi có vẻ như nó không được xã hội coi trọng”, Lee nhấn mạnh.