Triển lãm hàng không quốc tế tại Zhuhai, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc diễn ra từ 11-16/11 đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông bởi chiến đấu cơ mới nhất của Trung Quốc, chiếc J-31 đã được ra mắt tại sự kiện diễn ra hai năm một lần này.Chiến đấu cơ J-31. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc thường rất kín kẽ và giữ bí mật tuyệt đối về các chương trình vũ khí của nước này. Chính vì vậy, triển lãm hàng không quốc tế tại Zhuhai đã trở thành cơ hội hiếm hoi để thế giới nắm bắt được phần nào mức độ phát triển của ngành công nghiệp vũ khí của Bắc Kinh.
Dưới đây là video về lần bay thử của J-31:
Chiến đấu cơ tàng hình J-31 của Trung Quốc đã thu hút mọi ánh mắt của du khách tham dự triển lãm năm nay bởi đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiết lộ chiến đấu cơ mới khi nó vẫn ở trong giai đoạn đầu phát triển.
Chiếc J-31 có thiết kế hình dáng bên ngoài khá giống chiến đấu cơ F-35 của hãng sản xuất vũ khí Mỹ Lockheed Martin. J-31, đồng thời cũng là chiến đấu cơ tàng hình thứ hai do Trung Quốc sản xuất. "Đàn anh" của J-31 là chiếc J-20 có kích thước to hơn, đã thực hiện chuyến bay ra mắt vào tháng 1/2011 nhưng kể từ đó lại bị che phủ bởi một bức màn bí mật và "ở ẩn".
Thiết kế chưa hoàn mỹ?
Giống như các chiến đấu cơ khác của không quân Trung Quốc, J-31 được trang bị động cơ của Nga và cụ thể là động cơ Klimov RD-93 được phát triển dùng cho máy bay MIG 29.
Có thông tin cho rằng một đội ngũ kỹ sư người Nga đã hỗ trợ các đồng nghiệp Trung Quốc thiết kế J-31 nhưng một quan chức Nga lại khẳng định phía Trung Quốc đã hoàn tòan tự thực hiện thiết kế của họ.
Tuyên bố trên có thể là đúng sự thật bởi loại máy bay này nếu được thiết kế dưới bàn tay các chuyên gia Nga thì nó sẽ không mắc lỗi như nó đã thể hiện. Theo đó, lần bay thử của J-31 tại triển lãm đã bộc lộ nhược điểm của máy bay này là "ngốn" quá nhiều nguyên liệu, vì vậy khi thực hiện bay vòng nó sẽ bị lạc mất độ cao.
Ngay cả trong hành trình bay thẳng, phi công cũng phải đảm bảo vận hành thùng chất đốt phụ (giúp tăng lực đẩy) hợp lý để giữ cho máy bay không bị hạ độ cao. Đây là những khuyết điểm thuộc thiết kế khí động lực mà đội ngũ kỹ sư Nga sẽ không bao giờ mắc phải.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích hàng không phương Tây cũng nhấn mạnh rằng chiếc J-31 xuất hiện tại triển lãm hàng không quốc tế của Trung Quốc không được trang bị vũ khí và điều này đồng nghĩa với việc máy bay này sẽ nặng hơn rất nhiều khi thực hiện nhiệm vụ thật và các lỗi nó đang gặp phải có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Sự trùng hợp về thời gian
Câu hỏi được đặt ra là tại sao không quân Trung Quốc lại chọn trưng bày chiếc máy bay vừa "thừa cân" vừa có năng lực chưa tốt như vậy vào thời điểm này?
Đó có thể là một tín hiệu gián tiếp mà Bắc Kinh muốn nhắn nhủ tới Washington bởi J-31 có màn ra mắt trùng hợp với thời điểm diễn ra chuyến công vụ của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức ở Bắc Kinh. Sự nhắn nhủ có thể được hiểu thành: "Trung Quốc mạnh hơn bạn nghĩ rất nhiều".
Đây không hẳn là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng kế sách gửi lời nhắn nhủ qua việc khoe vũ khí. Vào tháng 1/2011, khi chiếc J-20 có lần bay ra mắt đầu tiên, Bộ trưởng quốc phòng khi đó của Mỹ, ông Robert Gates cũng tới Bắc Kinh trong một chuyến thăm chính thức.
Các nhà phân tích quân sự nhìn nhận Trung Quốc dường như đang "rất háo hức" để xuất khẩu thế hệ chiến đấu cơ thứ 5 do vậy họ cũng giới thiệu thiết kế được sử dụng tại nước ngoài của J-31 với tên gọi FC-31.
Trong năm 2014, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng của nước này thêm 12,2% lên mức 808,2 tỉ nhân dân tệ (khoảng 132 tỉ USD).
H.Linh (Theo CNN)