Trong tuyên bố trên trang mạng chính thức, Bộ Ngoại giao Iran bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo và các mối đe dọa đối với dân thường trong khu vực xảy ra xung đột.
Tuyên bố nêu rõ: "Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Hồi giáo Iran nhấn mạnh sự cần thiết phải ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công này và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rút khỏi lãnh thổ Syria".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước này có kế hoạch thúc đẩy đối thoại giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào lãnh thổ Syria, chính thức bắt đầu cuộc tấn công trên bộ nhằm vào các chiến binh người Kurd.
Phát biểu với báo giới tại Turkmenistan, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng Ankara và Damascus cần thảo luận vấn đề liên quan tới lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria "một cách trực tiếp".
Cũng theo ông Lavrov, Moskva sẽ "xem xét những gì có thể làm" trong việc sử dụng "các mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên" nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khác ở Syria.
Ông Lavrov nhấn mạnh Nga mong muốn ổn định tình hình ở Syria càng sớm càng tốt, dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria "phải được tôn trọng". Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: "Trung Quốc luôn cho rằng chủ quyền, nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria phải được tôn trọng và duy trì. Chúng tôi thấy tất cả các bên đều lo ngại về những hậu quả tiềm tàng từ chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế".
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cộng đồng quốc tế nên phối hợp để tạo điều kiện đạt được một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria cũng như "tránh bổ sung các yếu tố mới và phức tạp vào tình hình này".
Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cùng ngày cho rằng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các lực lượng người Kurd ở Syria là "không thể chấp nhận được", đồng thời kêu gọi lập tức chấm dứt chiến dịch này.
Phát biểu bên lề một hội nghị ở Rome, Ngoại trưởng Di Maio nhấn mạnh: "Chúng tôi lên án hành động này... do hành động quân sự trong quá khứ luôn dẫn đến tình trạng khủng bố gia tăng. Chúng tôi kêu gọi lập tức chấm dứt cuộc tấn công hoàn toàn không thể chấp nhận này, do việc sử dụng vũ lực tiếp tục gây nguy hiểm cho mạng sống của người dân Syria, những người vốn đã phải hứng chịu thảm kịch trong những năm gần đây".
Trước đó, ngày 9/10, các máy bay chiến đấu và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh tạc nhiều mục tiêu của lực lượng người Kurd tại khu vực Đông Bắc Syria, mở đầu chiến dịch quân sự xuyên biên giới mang tên "Chiến dịch Mùa Xuân hòa bình" nhằm chống lại Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và các lực lượng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Chiến dịch được triển khai ít ngày sau khi các binh sĩ Mỹ rút khỏi khu vực này.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự phản đối từ nhiều nước trong khu vực cũng như các nước phương Tây do lo ngại cuộc tấn công sẽ khiến các phần tử thánh chiến bị lực lượng người Kurd giam giữ tại khu vực này trốn thoát và tập hợp lực lượng trở lại.
Trong hơn 5 năm qua, các lực lượng người Kurd tại Syria, được Mỹ hậu thuẫn, đã đi đầu trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria. Hiện YPG vẫn đang giam giữ hàng nghìn tay súng IS.