Theo hãng tin RIA Novosti, một chỉ huy quân sự Nga giấu tên, đang thực hiện nhiệm vụ tại vùng Zaporozhye, đã tiết lộ thông tin trên hôm 2/12. Theo sĩ quan này, lực lượng Ukraine ban đầu sử dụng vũ khí từ thời Liên Xô, nhưng hiện đã chuyển sang sử dụng vũ khí do các thành viên NATO cung cấp, trong đó có tên lửa HIMARS. Tuy nhiên, ông nói rằng quân đội Nga hiện có thể dễ dàng đẩy lùi các cuộc tấn công bằng loại vũ khí này nhờ “cập nhật chương trình mới”.
“Giờ đây, Nga sẽ không gặp vấn đề gì trong việc phát hiện, theo dõi và tiêu diệt tên lửa phóng từ Hệ thống HIMARS”, vị chỉ huy giấu tên nói đồng thời cho biết thêm rằng đơn vị của ông đã bắn hạ khoảng 10 tên lửa HIMARS, trong đó 4 tên lửa đã bị bắn hạ trong tháng trước.
Sau khi triển khai chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine một lượng lớn vũ khí trị giá khoảng 19 tỷ USD. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến ngày 23/11, Washington đã cam kết hỗ trợ Kiev 38 HIMARS và khí tài liên quan.
Hôm 1/12, Lầu Năm Góc đã trao hợp đồng sản xuất bệ phóng HIMARS trị giá 431 triệu USD cho Tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin để “đáp ứng nhu cầu hỗ trợ cấp thiết” cho Quân đội Mỹ và các đối tác nước ngoài của Washington. Hợp đồng này ước tính sẽ hoàn tất vào cuối năm 2025.
Trong bối cảnh các lực lượng Nga đang nỗ lực tiến công ở miền đông và tăng cường các cuộc tập kích tên lửa diện rộng vào hạ tầng năng lượng của Ukraine, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi NATO nhanh chóng viện trợ cho nước này. Ông Kuleba nói: “NATO cần ở bên chúng tôi không chỉ trong thời gian lâu nhất có thể, mà còn cung cấp cho chúng tôi mọi thứ cần thiết nhanh nhất có thể”.
Ngoại trưởng Kuleba cũng cho biết Ukraine cần các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất để bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự của nước này trong bối cảnh Nga tập kích tên lửa ồ ạt vào các mục tiêu khi mùa đông đang tới.
Trong khi đó, các quan chức Nga đã nhiều lần cảnh báo việc “bơm” vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột.