Quân đội Nga rút kinh nghiệm từ những sai lầm ở Ukraine

Đầu cuộc xung đột, phương Tây bị bất ngờ trước một số hạn chế của quân đội Nga. Nhưng dần dần các lực lượng vũ trang Nga đã điều chỉnh và thích ứng trên chiến trường.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Nga sử dụng súng phóng lựu trong một cuộc giao tranh với các lực lượng Ukraine. Ảnh: Sputnik

Theo nhận định của tạp chí Wall Street Journal (Mỹ) mới đây, hơn 1 năm sau khi Moskva không đạt được mục tiêu giành chiến thắng chớp nhoáng ở Ukraine, quân đội Nga đã dần thích nghi trên chiến trường khi chuyển sang chiến lược "chiến tranh tiêu hao" với Ukraine và phương Tây.

Một số hạn chế của quân đội Nga trong những ngày đầu cuộc xung đột khiến phương Tây bất ngờ, khi điều này đã tạo cơ hội cho Ukraine kháng cự và ngăn chặn một phần lớn bước tiến của Nga. Nhưng kể từ đó, Nga đã rút ra bài học từ sai lầm của mình, thích nghi với những cách có thể gây khó khăn cho Ukraine trong cuộc phản công đang diễn ra.

Sau khi Ukraine dễ dàng vượt qua phòng tuyến của Nga ở khu vực Kharkiv vào mùa Thu năm ngoái, Moskva đã dành nhiều tháng để chuẩn bị lực lượng và công sự phòng thủ kiên cố trước cuộc phản công hiện nay của Ukraine ở phía Nam. Các lực lượng Nga cũng đang triển khai máy bay không người lái để phát hiện và tấn công các vị trí của Ukraine theo cách mà Kiev rất khó khăn khi chống trả.

Kết quả là, lực lượng Ukraine đã tiến chậm trong vài tháng qua, phải đối mặt với những bãi mìn dày đặc trong khi đối mặt với nguy cơ tấn công từ trực thăng, tên lửa chống tăng và pháo binh của Nga.

Tướng James Hecker, chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi đã thấy khá nhiều lĩnh vực mà họ đang thích nghi và tất nhiên là chúng tôi rất chú ý đến điều đó” .

Chắc chắn là, quân đội Nga – vốn cũng chịu tổn thất nhất định trong cuộc xung đột với Ukraine – có thể cần phải thực hiện những thay đổi sâu sắc hơn để duy trì một cuộc chiến kéo dài. Hơn nữa, Nga hiện nay phần lớn đang ở thế phòng thủ khi tìm cách ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine, và trong quân sự: phòng thủ sẽ luôn có lợi thế hơn so với tấn công.

Chú thích ảnh
Nga cũng sử dụng tên lửa tầm xa trong cuộc xung đột với Ukraine. Ảnh: Sputnik

Trong suốt thời gian vừa qua, quân đội Nga đang cho thấy khả năng học hỏi từ những hạn chế ban đầu. Ví dụ, vào đầu cuộc xung đột, máy bay chiến đấu của Nga đã bay vào gần khu vực bao phủ của lực lượng phòng không Ukraine và chịu tổn thất nghiêm trọng vì Moskva không chiếm được ưu thế trên không. Tướng Hecker cho biết hơn 75 máy bay đã bị bắn rơi, trong đó có nhiều máy bay “đi thẳng vào khu vực tấn công bằng tên lửa đất đối không của Ukraine”.

Tuy nhiên, ông Hecker nói thêm rằng phần lớn lực lượng không quân Nga hiện vẫn còn nguyên vẹn. “Vì vậy, giờ đây các máy bay Nga không bay vào những khu vực đó hoặc nếu có thì chúng sẽ bay ở độ cao ở tầm thấp trong thời gian rất ngắn rồi quay trở lại”, Tướng Hecker nêu rõ, mặc dù chiến thuật này phần nào cản trở độ chính xác trong các nhiệm vụ ném bom của Nga.

Bên cạnh đó, quân đội Nga đã bổ sung khả năng dẫn đường cho những quả bom cũ mà họ thả ra từ các máy bay bay ngoài tầm phòng không của Ukraine. Ukraine gặp khó khăn trong việc phát hiện và bắn hạ chúng bằng máy bay thời Liên Xô.

Ngoài ra, Nga cũng đã di chuyển các sở chỉ huy và nhiều kho đạn dược ra xa tiền tuyến sau khi Ukraine tấn công những mục tiêu này bằng cách sử dụng bệ phóng HIMARS do phương Tây cung cấp, bắn tên lửa dẫn đường có tầm bắn lên tới 80km.

Sau khi các lực lượng Ukraine bắt đầu sử dụng bom dẫn đường vệ tinh JDAM tầm xa, phía Nga đã chuyển các sở chỉ huy của họ lùi xa hơn. Hiện Mỹ cho biết họ sẽ cung cấp một số lượng nhỏ tên lửa ATACMS cho Ukraine trong những tuần tới và số lượng lớn hơn có thể được cung cấp sau đó. Những tên lửa đất đối đất này có tầm bắn từ 160 - 300 km tùy thuộc vào mẫu được cung cấp và có thể nhắm mục tiêu tầm xa vào các tuyến hậu cần của Nga.

Quân đội Nga giờ đây cũng đã bảo vệ binh sĩ của mình tốt hơn bằng cách xây dựng các chiến hào sâu và kiên cố, ngụy trang xe tăng và xe bọc thép của mình dưới các tán cây và lưới ngụy trang, tiến hành xuất kích vào các vị trí của Ukraine trước khi nhanh chóng rút lui.

Oleksandr Solonko, một binh sĩ thuộc Tiểu đoàn trinh sát trên không của Ukraine gần Robotyne, giáp các tuyến phòng thủ chính của Nga ở phía Nam, cho biết: “Nếu so sánh với thời điểm bắt đầu cuộc xung đột thì sự khác biệt là rất lớn. Họ (Nga) đã rải mìn khắp các cánh đồng và đặt đủ loại bẫy. Họ đã làm tốt việc đó”.

Ở mặt trận phía Nam, quân đội Nga đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái và bom dẫn đường để ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine. Máy bay không người lái Lancet mang theo chất nổ cùng một số loại khác có khả năng tấn công xe bọc thép, lực lượng bộ binh của Ukraine, vô hiệu hóa các phương tiện cũng như gây thương vong cho binh sĩ.

Quân đội Ukraine ở tiền tuyến xung quanh Bakhmut cho biết họ mất hàng chục máy bay không người lái mỗi ngày vì thiết bị gây nhiễu của Nga đã hạ gục chúng thành công. Ngược lại, quân đội Nga đã thích nghi với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine trên lãnh thổ Nga. Sau khi Ukraine bắt đầu sử dụng máy bay không người lái để tấn công máy bay chiến đấu của Moskva ở sâu bên trong nước Nga, nước này bắt đầu phân tán máy bay của họ tới nhiều sân bay hơn. Họ cũng bắt đầu tiến hành công tác ngụy trang để hạn chế, ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo wsj.com)
Quan chức quân đội Nga khẳng định không có kế hoạch tổng động viên mới
Quan chức quân đội Nga khẳng định không có kế hoạch tổng động viên mới

Một quan chức cấp cao quân đội Nga khẳng định Bộ Tổng tham mưu nước này không có kế hoạch tổng động viên mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN