Quan chức Nga cảnh báo về kịch bản NATO gửi chiến đấu cơ cho Ukraine

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo việc NATO chuyển giao máy bay cho Ukraine và bảo trì trên lãnh thổ các quốc quốc gia trong liên minh này sẽ đồng nghĩa với việc NATO tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga.

Chú thích ảnh
Chiến đấu cơ F-35 của Lực lượng Không quân Mỹ. Ảnh: AFP

Theo đài Sputnik (Nga), ông Medvedev nói rằng từ những năm 1920, một quốc gia có thể được công nhận là bên tham gia vào xung đột nếu ngoài cung cấp vũ khí, quốc gia đó còn huấn luyện binh sĩ sử dụng chúng.

“Đây là những điều đang diễn ra hiện nay. Các chuyên gia Canada và Đức ở Liên minh châu Âu đã đào tạo binh sĩ Ukraine cách vận hành xe tăng Leopard”, ông Medvedev nói trên Telegram. 

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, trong tương lai, nếu NATO chuyển giao máy bay cho Ukraine và huấn luyện binh sĩ Ukraine vận hành máy bay chiến đấu diễn ra ở một quốc gia nào đó, chẳng hạn Ba Lan, đó sẽ là sự can thiệp trực tiếp của các nước Đại Tây Dương vào cuộc xung đột với Nga và kéo theo nhiều hậu quả sau đó.          

“Tất cả những người đưa ra quyết định về việc cung cấp, sửa chữa các thiết bị hoặc vũ khí này, cùng lính đánh thuê và chuyên gia quân sự nước ngoài, sẽ trở thành các mục tiêu quân sự hợp pháp”, ông nói thêm.

Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz đồng ý cung cấp xe tăng Leopard 2 do nước này sản xuất cho Ukraine, cũng như “bật đèn xanh” cho các quốc gia khác thực hiện động thái tương tự, các quan chức ở Kiev đã tăng cường hối thúc phương Tây viện trợ máy bay chiến đấu.

Theo đó, Ukraine muốn sở hữu các chiến đấu cơ F-16 hoặc F-15 do Mỹ phát triển. Không quân của nhiều nước NATO đang sở hữu lượng lớn 2 loại chiến đấu cơ này và loại biên chúng dần dần khi được trang bị thêm nhiều tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35.

Theo giới chuyên gia, nhu cầu tiêm kích của Ukraine đã trở nên cấp bách khi các lực lượng Kiev đang chuẩn bị khởi động một chiến dịch phản công mùa xuân nhằm giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ từ tay Nga. 

Tuy nhiên, yêu cầu của Ukraine vẫn chưa được quốc gia nào đáp ứng. Một số nhà lãnh đạo, kể cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, lo ngại việc Ukraine sử dụng F-16 để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, khiến Điện Kremlin coi đó là hành động leo thang và một lần nữa dấy lên đe dọa trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Thành viên NATO đầu tiên có thể cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine
Thành viên NATO đầu tiên có thể cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine

Slovakia có thể trở thành quốc gia đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN