Quan chức Nga cảnh báo hiện diện của NATO tại Ukraine có thể dẫn đến Thế chiến thứ 3

Ông Sergey Shoigu, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, cảnh báo rằng việc đưa quân đội nước ngoài tới Ukraine, kể cả dưới danh nghĩa lực lượng gìn giữ hòa bình, cũng có thể dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thậm chí có thể làm bùng phát một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Chú thích ảnh
Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Sergey Shoigu. Ảnh: Sputnik

Đài RT (Nga) dẫn lời ông Shoigu cho biết thuật ngữ “lực lượng gìn giữ hòa bình” đang bị lợi dụng để che đậy mục tiêu thực sự là mở rộng quyền kiểm soát đối với Ukraine. Ông cho rằng các quốc gia phương Tây đang tìm cách dùng danh nghĩa gìn giữ hòa bình để can thiệp sâu hơn vào tình hình nội bộ của Ukraine.

Một số quốc gia thành viên NATO, đặc biệt là Anh và Pháp, đã đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, với mục tiêu được nêu ra là nhằm thúc đẩy một nền hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga. Tuy nhiên, Moskva kiên quyết phản đối mọi sự hiện diện quân sự của NATO tại Ukraine – bất kể dưới hình thức liên minh nào – và coi đó là hành động không thể chấp nhận được.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS ngày 24/4, ông Shoigu, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga, cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ lực lượng nước ngoài nào hiện diện tại Ukraine, đặc biệt trên các khu vực mà Nga coi là “lãnh thổ lịch sử” của mình, đều có thể dẫn đến nguy cơ xung đột quy mô lớn với NATO. Theo ông, ngay cả “các chính trị gia có lý trí ở châu Âu” cũng thừa nhận những rủi ro nghiêm trọng này.

Ông Shoigu nhấn mạnh rằng Nga đã phản đối hiện diện của NATO tại Ukraine từ trước khi xung đột nổ ra và coi đó là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Ông Shoigu dẫn chứng rằng trước khi xung đột nổ ra, Anh đã xây dựng một căn cứ hải quân tại thành phố Ochakov, thuộc vùng Nikolayev của Ukraine. Ông cho rằng căn cứ này được dùng để huấn luyện các đơn vị đặc nhiệm hải quân Ukraine và có vai trò trong các hoạt động quân sự nhằm vào Nga.

Ngoài ra, tháng 1/2024, Anh và Ukraine đã ký lết một thỏa thuận đối tác kéo dài 100 năm, trong đó cam kết hợp tác phát triển hạ tầng quốc phòng tại Ukraine, bao gồm việc xây dựng các căn cứ quân sự, trung tâm hậu cần và kho vũ khí.

Gần đây, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết họ sẵn sàng dẫn đầu một liên minh châu Âu nhằm hỗ trợ Ukraine bằng lực lượng mặt đất và không quân, nếu hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Về phần mình, Nga tuyên bố bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào được triển khai trái phép tới Ukraine đều sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhận định rằng kế hoạch đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine thực chất là nhằm củng cố hiện diện của phương Tây trong khu vực, chứ không phải để tìm kiếm một giải pháp hòa bình bền vững.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng sau tuyên bố về Crimea của Tổng thống Zelensky
Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng sau tuyên bố về Crimea của Tổng thống Zelensky

Theo hãng tin Reuters, ngày 24/4, Nga cáo buộc Tổng thống Ukraine đã phá hoại nỗ lực ngoại giao nhằm đạt thỏa thuận hòa bình sau khi ông Zelensky từ chối công nhận việc Nga sáp nhập Crimea trong tuần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN