Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ tại sân bay Warsaw-Radom ở Radom, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN
Theo trang tin bulgarianmilitary.com (Bulgaria), sau khoảng 20 ngày giữ im lặng và phủ nhận, Lầu Năm Góc cuối cùng đã xác nhận thông tin bất ngờ: một tên lửa đạn đạo của Iran đã vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tối tân của Mỹ và tấn công Căn cứ Không quân Al Udeid tại Qatar vào ngày 23/6 vừa qua. Sự việc này, được hình ảnh vệ tinh xác thực, đã phơi bày một lỗ hổng đáng lo ngại trong hệ thống phòng không vốn được coi là trụ cột của Mỹ.
Diễn biến cuộc tấn công và sự xác nhận chậm trễ
Vụ việc xảy ra khi Iran phát động một cuộc tấn công tên lửa vào Căn cứ Không quân Al Udeid để trả đũa các cuộc tấn công của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Chiến dịch này, được Iran gọi là "Điềm báo Chiến thắng", đã được cảnh báo trước cho Qatar và Mỹ. Theo đó, phần lớn các tên lửa đã bị đánh chặn bởi hệ thống phòng không của Mỹ và Qatar.
Tuy nhiên, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell đã phải tuyên bố: "Một tên lửa đạn đạo của Iran đã tấn công Căn cứ Không quân Al Udeid vào ngày 23/6, trong khi các tên lửa còn lại đã bị hệ thống phòng không của Mỹ và Qatar đánh chặn". Ông Parnell cũng lưu ý rằng cảnh báo sớm của Iran về cuộc tấn công đã giúp đảm bảo không có thương vong.
Ban đầu, cả Mỹ và Qatar đều hạ thấp mức độ thiệt hại, khẳng định tất cả tên lửa đều bị đánh chặn và không có thiệt hại hay thương vong đáng kể. Tổng thống Trump mô tả cuộc tấn công là "yếu" và cho rằng tên lửa đã "bỏ lỡ" mục tiêu vì không gây ra mối đe dọa nào. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh Sentinel-2 do Iran International công bố vào ngày 10/7 đã cho thấy một mái vòm radar tại căn cứ bị phá hủy hoàn toàn. Bằng chứng không thể chối cãi này đã buộc Lầu Năm Góc phải thừa nhận sau đó rằng một tên lửa đã bắn trúng căn cứ, gây ra thiệt hại tối thiểu về thiết bị.
Sự thừa nhận chậm trễ trên phản ánh một thông lệ phổ biến trong các sự cố quân sự, đó là ban đầu giữ lại thông tin cho đến khi có bằng chứng không thể chối cãi, chẳng hạn như hình ảnh vệ tinh, đòi hỏi sự xác nhận công khai. Tình huống tương tự cũng từng xảy ra trong cuộc tấn công của Iran vào căn cứ Al Asad năm 2020, khi những tuyên bố ban đầu về việc không có thương vong sau đó đã được sửa đổi thành ghi nhận thương tích.
Tại sao Patriot thất bại?
Mặc dù hệ thống MIM-104 Patriot nổi tiếng về hiệu quả, đặc biệt trong việc đánh chặn phần lớn các tên lửa trong vụ tấn công này, việc một tên lửa đạn đạo của Iran vẫn "lọt lưới" đã làm dấy lên cuộc tranh luận về những thách thức mà các hệ thống phòng không hiện đại phải đối mặt.
Hiện chưa có bằng chứng cụ thể giải thích lý do tại sao tên lửa đạn đạo của Iran tránh được hệ thống đánh chặn Patriot. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đưa ra một số giả thuyết. Iran có thể đã sử dụng tên lửa đạn đạo tiên tiến với công nghệ tránh radar hoặc khả năng cơ động cao, gây khó khăn cho việc đánh chặn. Nếu tên lửa là một phần của loạt bắn phối hợp, hệ thống Patriot có thể đã bị áp đảo bởi nhiều mục tiêu cùng lúc, khiến một tên lửa lọt qua. Thậm chí, cảnh báo trước đó của Iran, dù mang tính ngoại giao, có thể đã được sử dụng như một đòn nghi binh, làm giảm thời gian phản ứng của bên phòng thủ.
Ngoài ra, nguyên nhân có thể liên quan đến những thách thức về vận hành hoặc kỹ thuật trong hệ thống Patriot, hoặc sự phối hợp giữa lực lượng Mỹ và Qatar. Dù có hiệu quả cao, Patriot không phải là hệ thống hoàn hảo, đặc biệt là trước các tên lửa hiện đại có quỹ đạo thấp hoặc các biện pháp đối phó radar. Khả năng về một khoảng trống "tạm thời" trong phạm vi phủ sóng radar hoặc lỗi phần mềm theo dõi cũng không thể loại trừ.
Al Udeid: Một pháo đài chiến lược cần được củng cố
Căn cứ Không quân Al Udeid, nằm cách thủ đô Doha khoảng 30 km về phía Tây Nam, là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, nơi đóng quân của khoảng 10.000 quân nhân Mỹ cùng với lực lượng Không quân Qatar, Anh và các đồng minh khác. Được xây dựng từ năm 1996 với khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD của Qatar để thu hút lực lượng Mỹ, Al Udeid đóng vai trò trung tâm cho các hoạt động của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) tại các khu vực như Afghanistan, Iraq và Syria. Thỏa thuận gia hạn sự hiện diện của Mỹ tại căn cứ này thêm một thập kỷ vào tháng 1/2024 càng khẳng định tầm quan trọng chiến lược của nó.
Vòm radar bị phá hủy là một thành phần quan trọng của Trạm thông tin liên lạc mới (MET), được lắp đặt vào năm 2016 với chi phí 15 triệu USD, cung cấp các liên kết thoại, video và dữ liệu an toàn giữa quân nhân và bộ chỉ huy.
Sự cố tại Al Udeid cho thấy sự cân bằng mong manh giữa ưu thế công nghệ và tính khó lường của các cuộc xung đột quân sự hiện đại. Mặc dù hệ thống Patriot đã chứng minh được khả năng vô hiệu hóa hầu hết các mối đe dọa, nhưng việc không đánh chặn được một tên lửa lại nhấn mạnh sự cần thiết phải liên tục phát triển công nghệ quốc phòng để chống lại các loại vũ khí ngày càng tinh vi.
Vụ việc này có thể thúc đẩy Mỹ và các đồng minh đánh giá lại việc phân bổ nguồn lực và tăng đầu tư vào các hệ thống phòng không tích hợp, kết hợp công nghệ radar, trí tuệ nhân tạo và sự phối hợp tốt hơn giữa các lực lượng đồng minh. Điều này nhằm mục đích giảm thiểu các lỗ hổng trong tương lai tại các địa điểm chiến lược quan trọng như Al Udeid.
Những tác động địa chính trị rộng lớn hơn của vụ tấn công cũng làm nổi bật căng thẳng gia tăng trong khu vực và những thách thức trong việc duy trì sự ổn định ở Trung Đông. Thành công của Iran trong việc tấn công, dù hạn chế, có thể khuyến khích các quốc gia khác phát triển năng lực tấn công tương tự, làm phức tạp thêm nỗ lực duy trì ảnh hưởng quân sự của Mỹ.
Al Udeid không chỉ là một tiền đồn quân sự mà còn là biểu tượng cho cam kết của Mỹ đối với khu vực. Sự cố này là một lời nhắc nhở rõ ràng về sự cần thiết phải nhanh chóng thích ứng với thực tế mới của chiến trường hiện đại.