Kể từ khi Bộ Quốc phòng Mỹ chuyển giao bốn hệ thống pháo phản lực HIMARS đầu tiên cho Ukraine vào cuối tháng 6/2022, các thông tin về tính hiệu quả của chúng thường xuyên được đăng tải (mặc dù một trong số đó khó kiểm chứng).
Vào cuối tháng 7/2022, HIMARS được cho là đã phá hủy Cầu Antonivskyi bắc qua sông Dnipro gần thành phố cảng Kherson do Nga kiểm soát, nơi đã bị lực lượng Ukraine chiếm lại vài tháng sau đó (Cây cầu là một phần của tuyến tiếp tế quan trọng cho phép Nga chiếm thành phố). Vào tháng 10 năm ngoái, các lực lượng Ukraine đã công bố đoạn video cho thấy HIMARS bí mật di chuyển qua một khu rừng gần khu vực Luhansk, sau đó tiêu diệt một đoàn xe tăng Nga.
Tính đến tháng 9/2022, các quan chức quốc phòng Ukraine cho biết Kiev đã tấn công hơn 400 mục tiêu của Nga bằng HIMARS, trong khi Nga không thể trả đũa một cách hiệu quả. Đến tháng 11 năm ngoái, không có bệ phóng nào trong số 20 hệ thống HIMARS mà Ukraine sử dụng bị phá hủy.
Tính hiệu quả của HIMARS ở Ukraine đã khiến các đồng minh của Mỹ đổ xô trang bị hệ thống này và trùng hợp với việc NATO ra mắt cấu trúc hỗ trợ hậu cần HIMARS mới như một nền tảng phòng thủ sẵn sàng đối phó với Nga. Trong khi đó, quân đội Mỹ đang tích cực phát triển những chiến thuật mới để sử dụng HIMARS và tăng cường năng lực của nó.
Nikki Rizzi, nằm trong nhóm nữ sĩ quan đầu tiên được quân đội Mỹ cho phép theo học trường pháo binh dã chiến vào năm 2010, được triển khai cùng HIMARS đến trung tâm hoạt động của Kandahar, Afghanistan, nói rằng thành công của quân đội Ukraine với hệ thống HIMARS là đáng kinh ngạc, đặc biệt là vì họ vận hành nó mà không cần một số hệ thống dẫn đường quan trọng nhất của HIMARS. Ví dụ, Hệ thống dữ liệu chiến thuật pháo binh tiên tiến (AFATDS) của quân đội Mỹ để xác định vị trí mục tiêu, điều phối các yếu tố trên không và mặt đất, đồng thời giám sát các hoạt đang diễn ra.
Không có AFATDS, một hệ thống quân sự độc quyền của Mỹ và chúng không nằm trong số thiết bị được gửi cùng các bệ phóng HIMARS đến châu Âu, các lực lượng sử dụng HIMARS của Ukraine đã phải sử dụng máy bay không người lái được hỗ trợ bởi mạng liên lạc vệ tinh Starlink của SpaceX để xác định và trinh sát mục tiêu, cũng như radio hoặc điện thoại di động có sẵn để liên lạc lập kế hoạch tấn công. (SpaceX, được thành lập bởi Elon Musk, đã phản đối việc sử dụng công nghệ này và thực hiện các bước để hạn chế nó).
Trong một số trường hợp, các lực lượng Ukraine đã sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh WhatsApp thuộc sở hữu của Meta để thực hiện nhiệm vụ khi các liên lạc khác gặp sự cố và họ cũng đã tạo các ứng dụng điện thoại thông minh của riêng mình để điều phối hoạt động trên chiến trường (Kể từ tháng 12 năm ngoái, quân đội Mỹ đang tìm cách phát triển một phiên bản quốc tế của AFATDS mà Ukraine có thể sử dụng).
Khi các lực lượng Ukraine xác định được vị trí mục tiêu, việc ngắm bắn với HIMARS - ngay cả khi không có AFATDS - khá dễ dàng, bằng cách chỉ cần nhập tọa độ theo cách thủ công, rồi khai hỏa. “Sự đơn giản của nó kết hợp với hệ thống vũ khí hiệu quả cao là lý do tại sao họ (Ukraine) đang cực kỳ thành công với HIMARS”, Đại tá Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu John Cochran, cho biết.
Trong cuộc đối đầu với các lực lượng Nga, quân đội Ukraine, tận dụng thông tin tình báo của Mỹ và đồng minh, có thể tấn công hệ thống phòng thủ của Nga bằng các tên lửa Liên Xô tầm xa hơn, kém chính xác hơn trong kho vũ khí của họ - Tochka- U, với tầm bắn gần 100 km chẳng hạn - sau đó sử dụng tên lửa HIMARS để tấn công chính xác vào mục tiêu có giá trị cao.
Khi cần, HIMARS có thể tung ra rất nhiều cú tấn công chính xác. Một phần khiến nó thành công ở Ukraine là các binh sĩ có thể nạp lại tên lửa rất nhanh. Một đội HIMARS được đào tạo bài bản có thể tháo bệ tên lửa đã sử dụng và nạp lại bệ phóng trong vòng năm phút sau khi khai hỏa.
Tuy nhiên tốc độ bắn nhanh của tên lửa cũng làm gia tăng mối lo ngại về nguồn cung cấp đạn dược cho Ukraine. Các quan chức Mỹ cho biết họ đã cung cấp “hàng nghìn” quả tên lửa GMLRS cho Ukraine, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu của nước này. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Ukraine đã bắn tới 7.000 quả đạn pháo mỗi ngày từ tất cả các loại vũ khí hiện có, không chỉ riêng HIMARS.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng Ukraine thành công với HIMARS nhờ 3 yếu tố chính: bản chất cuộc chiến mà họ đang tham chiến, năng khiếu và sự quen thuộc của họ với các hoạt động pháo binh cũng như sự hiểu biết về cách thức hoạt động của quân đội Nga.
HIMARS có thể mới nổi tiếng, nhưng nó không phải loại vũ khí mới. Hệ thống này chính thức được đưa vào phục vụ trong quân đội Mỹ vào năm 2005 sau một thập kỷ phát triển bởi nhà sản xuất Lockheed Martin. Nó là sự phát triển gần đây nhất trong các loại vũ khí có thể bắn liên tiếp nhiều tên lửa, hình thức tấn công ra đời từ Chiến tranh Lạnh.
Liên Xô là một trong những quốc gia đầu tiên đầu tư đáng kể vào pháo phản lực đa nòng trong Thế chiến II, nổi tiếng với hệ thống tên lửa Katyusha. Các bệ phóng Katyusha mang lại sức hủy diệt lớn hơn là những cuộc tấn công chính xác. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã phát triển thêm biến thể Katyusha, ra mắt BM-21 Grad vào năm 1963.
Bệ phóng 122mm này, được đặt trên khung gầm xe tải 4,5 tấn, có thể bắn một loạt 40 tên lửa chỉ trong 20 giây và được nạp đạn lại sau ba phút. Người Nga có một biệt danh cho loại vũ khí này: "Mưa đá", vì cách tên lửa của nó tấn công vị trí của kẻ thù.
Ngược lại, quân đội Mỹ ở thời điểm đó vẫn dựa vào kho vũ khí pháo lựu của mình, được coi là đáng tin cậy và chính xác hơn, ngay cả khi chúng hạn chế về phạm vi tấn công. Nhưng khi Liên Xô bắt đầu xuất khẩu BM-21 cho các quốc gia khác và những quốc gia đó đã sử dụng hệ thống phóng loạt trong các trận chiến của riêng họ, đặc biệt là Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 giữa các lực lượng Arập và Israel, Mỹ đã nhận thấy loại vũ khí này có sức mạnh như thế nào và đặt câu hỏi liệu lực lượng của họ có thể đối phó với chúng hay không.
John Ferrari, Thiếu tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu cho biết: “Trong một trận chiến trên bộ tiềm tàng giữa Mỹ và Nga với các bệ phóng nhiều tên lửa, phía Nga sẽ giành chiến thắng", gợi lại mối lo ngại ngày càng tăng của các nhà hoạch định quân sự Mỹ. Các loại lựu pháo, ổn định và chính xác, không thể có đủ tầm bắn và sức công phá như các hệ thống tên lửa phóng loạt của Nga.
Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Liên Xô tiếp tục phát triển các bệ phóng nhiều tên lửa, trong khi Mỹ đầu tư vào các loại pháo tầm ngắn hơn nhưng chính xác hơn. Vào những năm 70, nhận ra rằng họ đang thiếu vũ khí, Mỹ bắt đầu phát triển các hệ thống MLRS của riêng mình.
Phản ứng muộn màng của Mỹ là Hệ thống tên lửa phóng loạt M270, được gọi là MLRS, phát triển vào giữa những năm 1970 (tiền thân của HIMARS ngày nay). Bệ phóng này có 12 ống phóng tên lửa đặt trên xe chiến đấu Bradley - một phương tiện bánh xích hạng nặng giống như xe tăng. Loại vũ khí khổng lồ nặng 26 tấn này lần đầu tiên thể hiện uy lực trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, chiến dịch của Mỹ giải phóng Kuwait khỏi các lực lượng Iraq.