Nhật Bản tiết lộ kế hoạch cải tổ quân sự

Ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tuyên bố bộ này có thể yêu cầu một khoản ngân sách lớn hơn cho năm tài chính tiếp theo để tăng cường năng lực trong việc ứng phó trước bất kỳ mối đe dọa quân sự nào trong khu vực.

Chú thích ảnh
Binh sĩ thuộc lữ đoàn triển khai đổ bộ nhanh thuộc GSDF tham gia cuộc tập trận chung với lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ trên đảo Tanegashima, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản ngày 14/10/2018. Ảnh (tư liệu): Kyodo/TTXVN

Theo kênh truyền hình RT, việc Nhật Bản bày tỏ mong muốn nâng cấp sức mạnh quân sự đi ngược với chính sách định hướng quốc phòng theo hiến pháp hòa bình của quốc gia này.

“Ngân sách quốc phòng là một chỉ số quan trọng cho thấy sức mạnh của quốc gia. Chúng tôi muốn đảm bảo một ngân sách đầy đủ để tăng cường khả năng quốc phòng của mình”, Bộ trưởng Kishi trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo.

Bộ trưởng Quốc phòng lập luận Nhật Bản cần phải tăng cường quân sự do môi trường an ninh khu vực ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, nhà chức trách lên tiếng cảnh báo về hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Những lo ngại về Triều Tiên của Nhật Bản gia tăng trong bối cảnh Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới. Bên cạnh đó, Tokyo cũng ngày càng lo lắng về tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo tranh chấp Senkaku (Điếu Ngư) trên Biển Hoa Đông.

Bộ trưởng Kishi không đề cập đến tranh chấp lãnh thổ của Tokyo với Moskca về quần đảo Kuril.

Trước đó, Điện Kremlin đã hủy bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với đất nước Mặt trời mọc và siết chặt hạn chế thị thực đối với công dân Nhật Bản nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà Nhật Bản áp đặt đối với Nga liên quan đến tình hình xung đột ở Ukraine. Về mặt hình thức, Nga và Nhật Bản chưa bao giờ ký hiệp ước hòa bình kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Theo Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản được thông qua vào năm 1947, Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ phát động chiến tranh bằng quyền lực nhà nước, không duy trì lục, hải, không quân và các lực lượng chiến tranh khác, không thừa nhận quyền giao chiến của nhà nước.

Tuy nhiên, trong 10 năm qua, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản vẫn tăng lên hàng năm. Trong tài khóa hiện tại, ngân sách quốc phòng đã đạt mức kỷ lục 44 tỷ USD, chiếm gần 1% GDP (tổng sản phẩm nội địa) của cả nước.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Nhật Bản mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên
Nhật Bản mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên

Ngày 1/4, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Triều Tiên, trong đó có các lệnh đóng băng tài sản mới đối với 4 tổ chức của Nga và 9 cá nhân được cho có liên quan đến các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN