Một trong những bước tiến quan trọng là hợp tác với Boeing, khi Boeing Japan - chi nhánh của tập đoàn Boeing (Mỹ) - đã ký hợp đồng với Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần Nhật Bản (ATLA) vào cuối năm 2024 để nghiên cứu và thử nghiệm mô phỏng UAV. Thỏa thuận trị giá 1 triệu USD này đánh dấu khởi đầu cho quá trình tích hợp UAV vào các hoạt động quân sự của Nhật Bản với trọng tâm là nâng cao khả năng tác chiến tự động và chiến đấu phối hợp.
Việc lựa chọn Boeing Japan làm đối tác cho thấy Nhật Bản đang ưu tiên hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực hàng không - quốc phòng. Theo ATLA, Boeing Japan là đơn vị duy nhất có quyền tiếp cận phần mềm mô phỏng cần thiết, đồng thời sở hữu năng lực kỹ thuật và chuyên môn cao để phát triển UAV chiến đấu tiên tiến. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của Bộ Quốc phòng Nhật Bản (JMOD) nhằm ứng dụng hệ thống tự động vào chiến đấu, đặc biệt là phát triển các UAV có thể hoạt động phối hợp với máy bay có người lái trong những nhiệm vụ phức tạp.
Nỗ lực phát triển UAV chiến đấu của Nhật Bản cũng gắn liền với Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP), một sáng kiến hợp tác với Vương quốc Anh và Italy để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2035. Từ tháng 12/2022, Nhật Bản đã khởi động kế hoạch nghiên cứu UAV chiến đấu có thể hoạt động như "máy bay chiến đấu cộng tác" (Collaborative Combat Aircraft - CCA), đảm nhiệm các nhiệm vụ trinh sát, tác chiến điện tử và tấn công hỗ trợ. Bên cạnh đó, vào tháng 12/2023, Nhật Bản tiếp tục ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Mỹ để nghiên cứu và tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào UAV chiến đấu, bảo đảm khả năng phối hợp nhịp nhàng với máy bay thế hệ mới. Việc ứng dụng AI không chỉ giúp UAV hoạt động hiệu quả hơn mà còn tối ưu hóa khả năng ra quyết định trong các môi trường tác chiến có độ rủi ro cao.
Boeing không phải là đối tác duy nhất mà Nhật Bản hợp tác trong lĩnh vực UAV. Một ví dụ đáng chú ý là Boeing Australia, đơn vị đã phát triển MQ-28 Ghost Bat - mẫu UAV đa nhiệm dành cho Không quân Hoàng gia Australia. Được trang bị trí tuệ nhân tạo tiên tiến và hệ thống cảm biến có thể tùy chỉnh, Ghost Bat có thể thực hiện các nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát (ISR), tác chiến điện tử và hỗ trợ hỏa lực. Vào tháng 7/2024, Boeing thông báo Ghost Bat sẽ tập trung vào vai trò ISR thay vì trang bị hệ thống vũ khí, nhưng vẫn được xem là một ứng viên tiềm năng cho chương trình UAV hỗ trợ chiến đấu của Nhật Bản, đặc biệt là trong việc tăng cường năng lực thu thập dữ liệu và tác chiến điện tử.
Song song với hợp tác quốc tế, Nhật Bản cũng đang đầu tư phát triển UAV nội địa nhằm bảo đảm khả năng tự chủ về công nghệ. Mitsubishi Heavy Industries (MHI) đang nghiên cứu hai mẫu UAV chiến đấu: một phiên bản phục vụ tác chiến chiến thuật và một phiên bản hỗ trợ máy bay có người lái. Cả hai đều được thiết kế để tích hợp với GCAP, giúp hình thành một hệ thống chiến đấu đồng bộ và hiện đại. Không chỉ tập trung vào UAV chiến đấu, ATLA còn đang nghiên cứu UAV tàng hình tiếp nhiên liệu trên không và phương tiện không người lái trên biển (USV) chống mìn, cho thấy một hướng đi mở rộng trong chiến lược tự động hóa quân sự của Nhật Bản.
Sự thay đổi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản không chỉ phản ánh tham vọng hiện đại hóa quân đội mà còn thể hiện sự dịch chuyển chiến lược trong cách tiếp cận an ninh khu vực. Trong bối cảnh môi trường địa chính trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng phức tạp, việc mở rộng hợp tác với Mỹ, Anh, Italy và Australia giúp Nhật Bản không chỉ tiếp cận công nghệ UAV tiên tiến mà còn củng cố quan hệ chiến lược với các đồng minh chủ chốt. Kết quả nghiên cứu từ Boeing Japan cùng với những tiến bộ trong chương trình UAV nội địa sẽ là nền tảng để Nhật Bản nâng cao năng lực tác chiến, đồng thời khẳng định cam kết ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hiện đại hóa quân đội.