Ngoại trưởng Mỹ cam kết đảm bảo viện trợ để Ukraine tiếp tục chiến đấu

Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết tâm giúp Ukraine đảm bảo có viện trợ để có thể tiếp tục chiến đấu trước các hoạt động quân sự của Nga vào năm tới.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Theo cam kết của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đang có mặt tại Brussels gặp gỡ các quan chức châu Âu, Mỹ sẽ gửi cho Ukraine càng nhiều viện trợ càng tốt để có thể “ngăn chặn lực lượng Nga và nắm ưu thế trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nào”.

"Tổng thống Joe Biden đã cam kết đảm bảo rằng mọi đồng bạc mà chúng tôi có trong tay sẽ được sử dụng hết từ bây giờ cho đến ngày 20/1/2025 - thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức”, hãng tin AP dẫn lời Ngoại trưởng Blinken ngày 13/11 cho biết.

Theo nhà ngoại giao Mỹ cấp cao, các nước NATO phải tập trung nỗ lực vào việc đảm bảo rằng Ukraine có tiền, đạn dược và lực lượng để chiến đấu hiệu quả vào năm 2025 hoặc có được vị thế mạnh mẽ trên sân đàm phán.

Ngoại trưởng Blinken tiết lộ Washington sẽ thích nghi và điều chỉnh các phương án hỗ trợ thiết bị quân sự cho Ukraine, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Hiện cuộc chiến giữa Ukraine và Nga kéo dài gần ba năm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngày 13/11, Nga đã dùng cả tên lửa và thiết bị bay không người lái tấn công thủ đô Kiev của Ukraine.

Ukraine cho biết hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 4 tên lửa và 37 thiết bị bay không người lái. 47 thiết bị bay không người lái khác đã bị chặn lại bằng hệ thống gây nhiễu điện tử. Thiệt hại đang được các cơ quan chức năng đánh giá.

Vụ tấn công trên diễn ra một ngày sau khi Lầu Năm Góc cho biết Nga đang chuẩn bị một chiến dịch lớn nhằm đẩy lui quân đội Ukraine ra khỏi khu vực biên giới Kursk thuộc lãnh thổ Nga.

Các quan chức Kiev cho biết Nga đã triển khai khoảng 50.000 quân đến Kursk nhằm mục đích đánh bật quân Ukraine.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, trong những tháng gần đây, Nga đã tập hợp lực lượng để phản công ở Kursk, mặc dù thời gian cụ thể của chiến dịch này vẫn chưa được công bố.

Trong khi đó, tại mặt trận Donetsk phía Đông Ukraine, lực lượng Kiev cũng đang nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công kéo dài hàng tháng của Nga.

Theo hãng tin AFP, sự bất ổn chính trị dưới thời Tổng thống Trump dẫn tới thay đổi chính sách của Washington về Ukraine là một yếu tố mới quan trọng trong xung đột. Viện trợ quân sự của Mỹ đóng vai trò rất quan trọng đối với Ukraine, nhưng Tổng thống đắc cử Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố ông không muốn tiếp tục cung cấp hàng chục tỷ USD cho Kiev.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Marco Rubio, người được ông Trump lựa chọn để kế nhiệm Ngoại trưởng Blinken, nói rằng Mỹ cần thừa nhận cuộc chiến ở Ukraine là một "bế tắc" và nên thể hiện chủ nghĩa thực dụng khi đề cập đến chuyện hỗ trợ họ trong tương lai.

Tổng thống đắc cử Trump nói rằng ông có thể kết thúc xung đột Nga-Ukraine trong “24 giờ”. Trong một bài viết xuất bản vào tuần trước dẫn lời một nguồn tin ẩn danh, báo Wall Street Journal cho hay một trong những kế hoạch đang được chính quyền mới của ông Trump xem xét bao gồm việc Kiev hoãn tham vọng gia nhập NATO trong vòng 20 năm và đóng băng cuộc xung đột dọc theo chiến tuyến hiện tại.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AP/AFP)
Ý nghĩa của lựa chọn nhân sự trong chính quyền Trump với xung đột Nga-Ukraine
Ý nghĩa của lựa chọn nhân sự trong chính quyền Trump với xung đột Nga-Ukraine

Những lựa chọn nhân sự đầu tiên của ông Donald Trump có cả những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đối với Ukraine, khiến Kiev phải đoán xem chính sách mà họ sẽ theo đuổi là gì.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN