Trực thăng tấn công Apache của quân đội Mỹ. Ảnh: Boeing |
Đây không phải là loại mìn thông thường được chôn dưới đất, đợi một chiếc trực thăng mất cảnh giác chạm vào. Chúng thực sự là vũ khí phòng không tinh vi, được điều khiển bằng radar và chỉ có một số nước phát triển, đặc biệt là Nga và Bulgaria.
Hiện nay quân đội Mỹ có đủ lý do để lo sợ về loại vũ khí này và cần phải tìm ra cách đối phó. Trong một kế hoạch nghiên cứu mới có tên "Các biện pháp đối phó Thiết bị nổ tự chế và Mìn chống Trực thăng", quân đội Mỹ đã ví mối đe dọa mà những chiếc trực thăng phải đối mặt giống như là lính bộ binh phải đối mặt với những thiết bị nổ tự chế (IED) được cài đặt trên tuyến đường cơ động.
Quân đội Mỹ đã phát triển công nghệ chống IED, như các thiết bị gây nhiễu vốn có thể vô hiệu hóa các đường dẫn sóng radio điều khiển những thiết bị nổ này, và giờ đây họ muốn một điều tương tự để vô hiệu hóa những quả mìn chống trực thăng cũng như những IED được sử dụng trong vai trò chống máy bay trực thăng.
Lầu Năm Góc cho rằng những quả mìn chống trực thăng thực sự tinh vi và nguy hiểm. Quân đội Mỹ đặc biệt lưu ý đến việc "đối phó với những quả mìn chống trực thăng của Nga và Bulgaria".
Bulgaria, dường như bắt đầu phát triển những thiết bị này vào cuối những năm 1990, có một số mìn chống trực thăng như AHM-200, nặng khoảng 90kg giống như một ống súng cối gắn trên cái giá ba chân. Mìn được đặt trên mặt thay vì chôn dưới mặt đất, có một bộ cảm biến âm thanh để thu âm thanh của máy bay trực thăng ở khoảng cách xa gần 500m.
Ở phạm vi 150m, một radar Doppler có nhiệm vụ theo dõi mục tiêu. Khi máy bay trực thăng tiến gần khoảng 100m, mìn sẽ phát nổ tạo ra áp lực lớn và bắn ra những viên bi thép để phá hủy mục tiêu.
Năm 2012, Nga đã công bố đoạn video cho thấy một thiết bị dường như nước này đã phát triển loại vũ khí tương tự như trên. Một chuyên gia Nga trong đoạn video nói rằng mìn chống trực thăng được phát triển bởi vì tên lửa chống máy bay vác vai không có hiệu quả trong việc chống lại máy bay trực thăng bay ở tầm thấp hơn 100m.
Các quốc gia khác cũng đã phát triển mìn chống trực thăng, chẳng hạn như Ba Lan, trong khi Áo đã phát triển một phiên bản dẫn đường hồng ngoại.
Do phải dựa nhiều vào máy bay trực thăng để cơ động, đặc biệt là khi thiết bị nổ tự chế khiến cho những con đường trở nên quá nguy hiểm đối với các phương tiện trên bộ, mìn chống trực thăng là tin xấu đối với quân đội Mỹ.
Điều đó sẽ trở nên tồi tệ hơn khi lực lượng nổi dậy và khủng bố sở hữu những vũ khí này. Lầu Năm Góc đã coi đây là một mối nguy hiểm đang nổi lên, mặc dù đến thời điểm này chúng chưa gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của quân đội Mỹ.