Giáo sư Vladimir Syryamkin, Trưởng phòng thí nghiệm của TGU, phụ trách thiết kế khả năng nhận biết của robot cho biết "robot cứu hộ" có thể di chuyển với tốc độ lên đến 40 km/h và có thể vận chuyển tối đa trên 100 kg.
Trong trường hợp cần vận chuyển nạn nhân, robot có thể "bế" được người cao tới 2 mét. Tầm nhìn của robot được trang bị một hệ thống kỹ thuật cho phép robot cứu hộ tự đánh giá các địa hình và "chủ động" vượt qua trở ngại.
Nếu được thiết kế thành công, các robot cứu hộ sẽ giúp đơn giản hóa đáng kể công việc của các nhân viên cứu hộ, khi thường phải sơ tán người ra khỏi vùng thiên tai bằng cáng, và điều này càng đặc biệt khó khăn khi các nhân viên cứu hộ tác nghiệp trong các trường hợp khẩn cấp thường phải đeo mặt nạ khí, cũng như các thiết bị bảo vệ. Các nhà khoa học ở Tomsk cho biết robot mà họ thiết kế có thể được nối dài cánh tay trong trường hợp cần thiết.
Giáo sư Syryamkin cho biết mẫu robot cứu hộ nói trên sẽ được thiết kế xong trong tháng 3/2017, với chi phí trung bình ước tính 1 triệu ruble (khoảng 16.300 USD) / 1 robot và chế tạo hoàn toàn bằng các vật liệu trong nước. Nếu thành công, Nga sẽ đi vào sản xuất đại trà robot cứu hộ.