Hàng nghìn người Armenia đã tập hợp để bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan sau khi quân đội đề nghị ông và nội các từ chức. Diễn biến mới này đã đẩy nước CH từng thuộc Liên Xô trước đây rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới.
Thủ tướng Pashinyan đang đối mặt với nhiều chỉ trích về cách thức xử lý xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh vào năm ngoái. Ông đã bác bỏ các lời kêu gọi từ chức, tuyên bố sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Thủ tướng cũng đồng thời chỉ trích các lực lượng vũ trang kêu gọi ông từ chức, coi đây là hành động đảo chính.
Trước đó, ngày 25/2, Điện Kremlin đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng chính trị leo thang tại Armenia sau khi quân đội đề nghị Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã kêu gọi các bên giải quyết bất đồng một cách hòa bình và trong khuôn khổ Hiến pháp. Quan chức này nêu rõ Nga vẫn đang theo dõi tình hình và hối thúc các bên bình tĩnh.
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực này từ ngày 27/9/2020 đã khiến con số thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người.
Ngày 9/11/2020, các nhà lãnh đạo Nga, Armenia và Azerbaijan đã ký thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh sau hơn một tháng xảy ra giao tranh. Theo thỏa thuận, Nga đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực tiền tuyến Nagorny-Karabakh và hành lang giữa khu vực này với Armenia nhằm giám sát lệnh ngừng bắn. Một số chính trị gia ở Armenia cho rằng chính phủ nước này đã có nhiều nhượng bộ khi ký kết thỏa thuận ngừng bắn trên.