Hãng thông tấn nhà nước TASS ngày 2/9 dẫn lời người đứng đầu Roscosmos cho biết hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng RS-28 Sarmat đã được đưa vào trực chiến.
Trong một báo cáo cùng ngày, TASS cho biết thêm: “Dựa trên ước tính của các chuyên gia, RS-28 Sarmat có khả năng mang đầu đạn MIRVed nặng tới 10 tấn, có thể vươn tới bất kỳ địa điểm nào trên toàn thế giới, kể cả ở Bắc Cực và Nam Cực”.
Vào ngày 21/6/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng Sarmat.
Ông Putin nhấn mạnh, Nga sẽ tăng cường và hiện đại hóa hơn nữa các lực lượng vũ trang. Việc triển khai ICBM Sarmat sẽ diễn ra như một phần trong quá trình xây dựng quân đội Nga hùng mạnh hơn.
Ông Putin từng ca ngợi tên lửa Sarmat là một "vũ khí thực sự độc đáo" sẽ đảm bảo an ninh của Nga khỏi những mối đe dọa từ bên ngoài và nói rằng Sarmat sẽ khiến những người cố gắng đe dọa Nga bằng những lời hùng biện gây hấn phải suy nghĩ lại.
Theo hãng tin Al Jazeera, Sarmat là tên lửa phóng từ hầm ngầm mà các quan chức Nga cho biết có thể mang tới 15 đầu đạn hạt nhân, mặc dù quân đội Mỹ ước tính sức chứa của Sarmat chỉ là 10 đầu đạn.
NATO gọi Sarmat với mật danh “Satan” và loại tên lửa này được cho là có giai đoạn phóng ban đầu ngắn, khiến các hệ thống giám sát có rất ít thời gian để theo dõi quá trình cất cánh của nó.
Nặng hơn 200 tấn, Sarmat có tầm bắn khoảng 18.000km và được phát triển để thay thế thế hệ ICMB cũ của Nga có từ những năm 1980.
Nga đã bắn thử tên lửa Sarmat vào tháng 4.2022 tại vùng Plesetsk, cách thủ đô Moskva khoảng 800km về phía Bắc, và các tên lửa được phóng đã đánh trúng các mục tiêu trên bán đảo Kamchatka, thuộc vùng Viễn Đông của Nga.