Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả khi bị Ukraine tấn công bằng tên lửa ATACMS?

Ngày 19/11, Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ viện trợ tấn công vào lãnh thổ nước Nga và cũng là ngày Nga mở rộng diện cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả theo học thuyết mới. Điều này đang dấy lên những nghi ngại về khả năng Nga sử dụng loại vũ khí này để tấn công Ukraine trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 19/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng vũ trang Ukraine phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS tấn công vào khu vực Bryansk. Hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 5 tên lửa được Ukraine sử dụng và gây hư hại một tên lửa. Các mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống khu vực của một cơ sở quân sự ở khu vực Bryansk, gây ra hỏa hoạn, nhưng đã được dập tắt kịp thời. Vụ tấn công không gây thương vong hay thiệt hại.

Trong khi đó, hãng tin AP dẫn tuyên bố của Ukraine cho biết đã tấn công một kho vũ khí quân sự ở Bryansk trong đêm, song không nêu rõ loại vũ khí nào được sử dụng. Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine khẳng định đã nghe thấy nhiều tiếng nổ và có tiếng nổ tại khu vực mục tiêu.

Cũng trong ngày 19/11, Tổng thống Nga Putin chính thức mở rộng các trường hợp nước này được phép sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công đáp trả theo học thuyết hạt nhân mới. Theo đó, nước Nga được phép đáp trả bằng vũ khí hạt nhân ngay cả khi có một cuộc tấn công thông thường vào Nga do bất kỳ quốc gia nào được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ. Học thuyết cũng nêu rõ một cuộc tấn công vào Nga từ một quốc gia phi hạt nhân với sự tham gia hoặc hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân sẽ được coi là cuộc tấn công chung vào Liên bang Nga.

Với học thuyết này, người ta có thể hình dung ra khả năng Nga sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với một cuộc tấn công thông thường. Điều này được cho là sẽ giúp Tổng thống Nga có nhiều lựa chọn hơn khi sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, tránh được các cam kết trước đây của nước này.

Mỹ là một cường quốc hạt nhân và đã viện trợ tên lửa ATACMS cho Ukraine và cho phép nước này sử dụng để tấn công Nga như truyền thông đã loan tin. Như vậy theo học thuyết hạt nhân mới của Nga, trong trường hợp Ukraine đã sử dụng tên lửa do Mỹ để tấn công thì nước này hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả cả hai quốc gia trên.

Việc phê duyệt văn kiện học thuyết hạt nhân mới trên chỉ sau ít ngày kể từ khi Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công. Điều này cho thấy Tổng thống Putin dường như đã sẵn sàng sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình để buộc phương Tây phải "lùi bước".

Ngày 19/11, khi được hỏi liệu một cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa tầm xa của Mỹ có khả năng gây vụ tấn công hạt nhân hay không, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời là "Có". Ngoài ra, khi được hỏi liệu học thuyết mới có được ban hành một cách có chủ đích sau quyết định của Tổng thống Biden hay không, ông Peskov cho biết tài liệu này được "Công bố kịp thời" và Tổng thống Putin đã chỉ đạo chính phủ cập nhật vào đầu năm nay để phù hợp với tình hình hiện tại.

Trước đó vào tháng 9, Tổng thống Putin đã lần đầu tiên công bố những thay đổi trong học thuyết hạt nhân khi chủ trì một cuộc họp thảo luận về các sửa đổi được đề xuất. Trước đó, ông cũng cảnh báo Mỹ và các đồng minh NATO khác về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga sẽ có nghĩa là Nga và NATO đang trong tình trạng chiến tranh.

Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, việc công bố học thuyết hạt nhân mới của Nga vào thời điểm hiện nay đang mang tính răn đe nhiều hơn việc triển khai trên thực địa. Bởi vì Nga không muốn kéo vào một cuộc chiến hạt nhân hủy diệt - một vấn đề mang tính toàn cầu và sống còn của nhân loại loài người hơn là một cuộc chiến tranh thông thường. Tuy nhiên, tất cả mọi điều chỉ là phỏng đoán và dự báo khi tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine tuy gần bước sang ngày thứ 1.000 những vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng, phức tạp. Trước đó cũng không quá nhiều người dám khẳng định hoàn toàn về việc Nga tấn công vào Ukraine cách đây khoảng 3 năm.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo AP, Sputnik, Reuters)
Hiệu quả đòn tấn công đầu tiên của Ukraine bằng ATACMS vào lãnh thổ Nga ra sao?
Hiệu quả đòn tấn công đầu tiên của Ukraine bằng ATACMS vào lãnh thổ Nga ra sao?

Trong đòn tấn công bằng tên lửa tầm xa đầu tiên vào lãnh thổ Liên bang Nga, Ukraine được cho là sử dụng 6 quả tên lửa ATACMS. Hiệu quả của đòn tấn công này ra sao?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN