Theo ông Dmitry Rogozin , một loạt trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn đã bắt đầu công việc chế tạo Soyuz-5 và dự án này sẽ “huy động toàn bộ nền công nghiệp vũ trụ” Nga.
Dự kiến, chuyến bay của mẫu tên lửa Soyuz-5 đầu tiên sẽ được tiến hành trong năm 2022. Tại Triển lãm hàng không và vũ trụ quốc tế MAKS năm 2015, Nga cũng đã trưng bầy hình mẫu của siêu tên lửa này.
Soyuz-5 dài 62 m, với trọng lượng cất cánh khoảng 270 tấn sẽ thay thế tên lửa hạng nhẹ Soyuz-2 hiện nay và sẽ mang được 9 tấn hàng hóa lên các quỹ đạo thấp, gấp 3 lần tải trọng của Soyuz-2.1b.
Theo báo chí Nga, Soyuz-5 không quá tối tân về công nghệ nhưng giá thành sẽ cao hơn tính toán. Riêng phần phát triển tên lửa đã cần 1 tỷ USD trong vài năm tới. Soyuz-5 sẽ được lắp động cơ tên lửa RD-171 cho tầng một và RD-169 cho tầng hai. Cả hai động cơ đều sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng và ôxy hóa lỏng. RD-171 là động cơ tên lửa mạnh nhất thế giới hiện nay.
Hiện tại có ba bệ phóng cho loại tên lửa Soyuz-2 có thể được cải tiến để phóng tên lửa Soyuz-5, đó là các bệ phóng ở các sân bay vũ trụ Baikonur, Plesetsk và sân bay vũ trụ Kourou tại Guiana thuộc Pháp.
Các nhà khoa học Nga còn dự trù sử dụng tầng một của Soyuz-5 làm động cơ đẩy cho một loại tên lửa siêu nặng có thể mang tới 80 tấn từ sân Baikonur lên quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Soyuz-5 thực ra không thuộc dòng các phương tiện phóng Soyuz từ thời Liên Xô mà nó có nguồn gốc từ tên lửa đẩy Zenit được phát triển cho tổng công ty Energia của Nga và được sử dụng cho bãi phóng trên biển.