Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã cực lực lên án vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên. Ảnh: EAP/TTXVN |
Toàn bộ 29 đại sứ NATO đã nhất trí thông qua tuyên bố trên, trong đó khẳng định tất cả các nước cần thực thi những lệnh trừng phạt sẵn có của Liên hợp quốc (LHQ) một cách triệt để và minh bạch, đồng thời tăng cường đưa ra những biện pháp dứt khoát buộc Triều Tiên từ bỏ con đường gây đe dọa và bất ổn.
Nhiều nhà ngoại giao cho rằng tuyên bố này nhằm vào những đối tác thương mại của Triều Tiên, điển hình là Trung Quốc cùng một số nước châu Phi - các quốc gia được cho là đang chần chừ trong việc áp đặt trừng phạt.
Cùng ngày, Mỹ đã đề nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) siết chặt các biện pháp chế tài đối với Triều Tiên.
Dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo đã kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên, cấm quốc gia này xuất khẩu hàng dệt may, cấm hoàn toàn việc tuyển dụng lao động Triều Tiên ở nước ngoài, phong tỏa tài sản cũng như áp đặt lệnh cấm đi lại đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Dự thảo cũng cấm việc xuất khẩu sang Triều Tiên các loại sản phẩm xăng dầu đã tinh chế, hóa đặc và khí đốt tự nhiên.
Nếu được thông qua, nghị quyết mới sẽ gây ảnh hưởng lớn tới ngành dệt may của Triều Tiên, lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ hai sau khoáng sản. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Triều Tiên trong năm 2016 đạt 752 triệu USD, gần 80% hàng dệt may của nước này được xuất sang Trung Quốc.
Ngoài ra, theo dự thảo nghị quyết, tài sản của hãng hàng không Air Koryo do quân đội Triều Tiên kiểm soát cũng sẽ bị phong tỏa. Hãng hàng không này có đường bay tới Bắc Kinh và một số thành phố của Trung Quốc hay Vladivostok của Nga.
Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 cuối tuần qua, với tuyên bố đó là bom nhiệt hạch (bom H) có thể được gắn vào tên lửa. Nhật Bản đã nâng ước tính về sức công phá trong vụ thử hạt nhân của Triều Tiên lên mức 160 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 10 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.