Trải qua hàng loạt rắc rối về kỹ thuật và chính trị, F-35 vẫn vươn lên trở thành nền tảng chiến đấu chủ lực của NATO (trong ảnh: Máy bay F-35 Lightning II của tập đoàn Lockheed Martin). Ảnh: PAP/TTXVN
Máy bay chiến đấu tàng hình đa năng F-35 Lightning II từng là chương trình quân sự gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử Lầu Năm Góc. Với hai thập kỷ trì hoãn, chi phí leo thang không kiểm soát, vô số vấn đề phần mềm và những cuộc tranh cãi chính trị gay gắt, nhiều người từng nghĩ rằng "Chim cắt tia chớp" F-35 sẽ được nhớ đến nhiều hơn bởi cái giá khổng lồ của nó hơn là những khả năng mà nó mang lại.
Thế nhưng hiện tại, F-35 đã trở thành một phần không thể thiếu trong sức mạnh không quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều gì đã khiến một dự án đầy rắc rối như vậy trở thành "con cưng" của liên minh quân sự lớn nhất thế giới?
Ba yếu tố then chốt
Có 14 trong số 32 quốc gia thành viên NATO, bao gồm các cường quốc như Mỹ, Anh, Italy, và các thành viên mới như Phần Lan, hiện đang hoặc có kế hoạch sở hữu F-35. Thậm chí, Anh còn tuyên bố sẽ mua thêm F-35A để củng cố khả năng răn đe hạt nhân. Trong số 18 quốc gia NATO còn lại không sử dụng F-35, có đến 9 nước không vận hành bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng và sự chấp nhận rộng rãi của F-35 trong khối.
Về cơ bản, F-35 mang lại ba ưu thế vượt trội mà hầu hết các máy bay chiến đấu cũ của NATO không có được: khả năng sống sót được cải thiện, khả năng tích hợp vượt trội và tính tiêu chuẩn hóa cao.
Trước các mạng lưới phòng không hiện đại và tinh vi như của Trung Quốc hay Nga, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như F-16 hay Eurofighter khó có thể tiếp cận mục tiêu mà không bị phát hiện. Ngay cả những hệ thống gây nhiễu hay mồi bẫy/mồi nhử tốt nhất cũng không thể thay đổi thực tế rằng các máy bay phản lực cũ được thiết kế trước khi công nghệ tàng hình được coi là yếu tố sống còn.
F-35, dù không phải là bất khả chiến bại, nhưng đủ tàng hình để tồn tại trong môi trường xung đột khốc liệt. F-35 hoạt động như một nền tảng cảm biến di động, thu thập lượng lớn dữ liệu radar, dữ liệu nhắm mục tiêu, thông tin về mối đe dọa và tác chiến điện tử. Những dữ liệu này sau đó có thể được truyền tải tức thời đến các máy bay khác hoặc các đơn vị mặt đất, biến F-35 không chỉ là một máy bay chiến đấu mà còn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới chỉ huy và kiểm soát rộng lớn mà các đồng minh NATO sẽ dựa vào trong một cuộc chiến tổng lực.
Tính tiêu chuẩn hóa cũng là một lợi ích đáng kể. Các lực lượng không quân NATO đã quen với việc hợp tác trong các cuộc tập trận, nhưng sự phối hợp đó trở nên phức tạp khi mỗi bên vận hành những loại máy bay khác nhau với khả năng, liên kết dữ liệu, loại vũ khí và nhu cầu bảo trì khác nhau. F-35 đơn giản hóa tất cả. Phi công được huấn luyện trên cùng một hệ thống mô phỏng. Đội ngũ bảo trì có thể làm việc dựa trên cùng một bộ quy chuẩn với các bộ phận, quy trình và phương pháp thống nhất. Điều này giúp việc thay thế phụ tùng, cập nhật phần mềm và tích hợp vũ khí trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn rất nhiều.
F-35 không còn là một nền tảng lý thuyết với những nghi vấn về hiệu quả chiến đấu. Israel đã sử dụng các biến thể F-35I tùy chỉnh của mình trong nhiều hoạt động chiến đấu, bao gồm các cuộc tấn công vào hệ thống phòng không của Iran và các cơ sở hạt nhân bị nghi ngờ trong Chiến dịch "Sư tử Trỗi dậy". Mỹ cũng đã triển khai F-35 ở Iraq, Syria, Afghanistan và trong các chiến dịch nhằm vào lực lượng Houthi, chứng minh năng lực tác chiến thực tế của loại tiêm kích này.
Những lo ngại tiềm ẩn và nỗ lực khắc phục
Mặc dù có nhiều ưu điểm, vẫn còn những lo ngại. Việc quá nhiều quốc gia đặt cược vào một nền tảng duy nhất có thể biến những lợi ích này thành điểm yếu. Nếu một lỗi phần mềm nghiêm trọng hoặc sự cố phần cứng trên diện rộng ảnh hưởng đến F-35, nó có thể làm gián đoạn hoạt động của nhiều quốc gia đồng thời, với rất ít lựa chọn thay thế khả thi. Lịch sử đã chứng kiến nhiều lần các vấn đề kỹ thuật khiến một phần phi đội F-35 phải ngừng hoạt động.
Ngoài ra, vấn đề chi phí và độ phức tạp vẫn còn là một thách thức. Theo báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Giải trình Chính phủ Mỹ (GAO), chi phí vận hành F-35 rất tốn kém, dao động từ 26.400 đến 39.000 USD mỗi giờ bay. Loại máy bay này cũng đòi hỏi cơ sở hạ tầng chuyên biệt và sự hỗ trợ liên tục từ các nhà thầu. Đối với các quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế, điều này tạo ra một sự phụ thuộc lớn.
Để giảm thiểu những rủi ro đó, NATO đã nỗ lực thiết lập các trung tâm bảo dưỡng khu vực. Italy đảm nhiệm việc lắp ráp máy bay tại Cameri, và Hà Lan phụ trách bảo dưỡng lớn, trong khi các đối tác khác sản xuất phụ tùng và các trang thiết bị cần thiết.
Dù vậy, F-35 đã vượt ra ngoài phạm vi một máy bay chiến đấu đơn thuần của Mỹ; dù có điểm mạnh và yếu, nó đã trở thành xương sống của lực lượng không quân NATO. Trong khi các nỗ lực của những nhà sản xuất hàng không vũ trụ châu Âu nhằm tạo ra một máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo vẫn đang tiếp diễn, cho đến nay, F-35 vẫn là lựa chọn hàng đầu, định hình tương lai khả năng phòng thủ trên không của NATO.