Theo đài RT (Nga) ngày 26/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO sẽ không thỏa hiệp về việc mở rộng sang Ukraine, Gruzia và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác, vì điều này mâu thuẫn với các nguyên tắc cốt lõi của liên minh.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Stoltenberg lưu ý rằng phản hồi của NATO, được tất cả 30 thành viên đồng ý, đã được Đại sứ Mỹ chuyển đến Nga trước đó cùng ngày, cùng với văn bản riêng của Washington.
Ông Stoltenberg đã nêu ra ba vấn đề cơ bản trong câu trả lời của NATO dành cho Nga. Một là thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa NATO và Nga.
Hai là NATO sẵn sàng tham gia đối thoại và lắng nghe các mối quan tâm của Nga, đồng thời tôn trọng quyền lựa chọn các thỏa thuận an ninh của mỗi quốc gia.
Vấn đề thứ ba được ông Stoltenberg đề cập liên quan đến các thỏa thuận giảm thiểu rủi ro và minh bạch về các cuộc tập trận, cũng như các đề xuất kiểm soát vũ khí mà ông cho rằng đã rất hiệu quả trước đây.
Kể từ năm 2001, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), Hiệp ước Bầu trời mở và Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhưng không có bằng chứng cho thấy Nga vi phạm các hiệp ước này.
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh NATO là một liên minh phòng thủ và không tìm kiếm sự đối đầu.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã chuyển cho Mỹ chi tiết các yêu cầu của mình sau nhiều tháng căng thẳng với Ukraine và phương Tây. Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu phương Tây đảm bảo hợp pháp an ninh của nước này, yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những quốc gia tham gia liên minh sau năm 1997, bao gồm phần lớn các quốc gia Đông Âu, như Ba Lan, các nước thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Lithuania, Latvia và các nước Balkan.
Nga cũng yêu cầu NATO ngừng mở rộng về phía đông, bao gồm cả việc yêu cầu NATO không chấp thuận Ukraine gia nhập liên minh và không tổ chức các cuộc tập trận tại Ukraine, Đông Âu, các nước Caucasus như Georgia, hoặc ở Trung Á, nếu không có sự đồng ý của Nga.
Nga cũng kêu gọi hai bên rút hệ thống tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung khỏi biên giới của nhau, thay thế Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung mà Mỹ đã rút khỏi năm 2018.