Theo trang tin Politico.eu mới đây, trong khi xung đột vẫn diễn ra ác liệt ở Ukraine, cơ quan tình báo của Na Uy đã đưa ra cảnh báo về khả năng răn đe hạt nhân của Nga ở Bắc Cực.
“Khi tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân và lực lượng răn đe chiến lược tăng lên, việc Hạm đội Phương Bắc Nga bảo vệ các căn cứ quân sự ở Kola và Biển Barents cũng trở nên quan trọng hơn”, Cơ quan Tình báo Na Uy cho biết trong báo cáo thường niên.
Khi được yêu cầu làm rõ đánh giá về các rủi ro, cơ quan tình báo Na Uy cho biết: “Lực lượng quan trọng trong khả năng răn đe hạt nhân là trên các tàu ngầm và tàu nổi thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga. Trong khi Nga cũng có năng lực tàu ngầm, vũ khí chống vệ tinh và tác chiến mạng có thể đe dọa Na Uy và liên minh quân sự NATO, vũ khí hạt nhân chiến thuật là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng trong một số tình huống tác chiến".
Báo cáo cũng lưu ý rằng không thể loại trừ khả năng leo thang xung đột Nga – Ukraine trở thành một cuộc chiến tranh cục bộ thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn liên quan đến Mỹ, NATO và Na Uy.
Cơ quan này cho biết trong đánh giá của mình rằng mặc dù Nga sẽ duy trì, hiện đại hóa và phát triển kho vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ không có thay đổi đáng kể nào trong học thuyết hạt nhân của nước này trong những năm tới.
Một số nhà bình luận giải thích báo cáo của Na Uy là một lời cảnh báo rằng đây là lần đầu tiên Nga trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật trên tàu chiến kể từ khi Liên Xô sụp đổ và Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tuy nhiên, Pavel Podvig, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện nghiên cứu giải trừ quân bị của Liên hợp quốc, cho rằng báo cáo của Na Uy không chỉ ra việc Nga đã triển khai các tàu được trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật, mà đúng hơn là Moskva đang dựa vào các tàu có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân về mặt lý thuyết.
Ông Podvig nói thêm rằng Mỹ và các quan chức tình báo khác cho biết họ không thấy dấu hiệu hoạt động nào cho thấy Nga đang triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược.