Thiết bị vận hành công nghệ siêu thanh Falcon 2 (HTV-2) của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Lầu Năm Góc thông báo công ty Lockheed Martin sẽ chịu trách nhiệm chế tạo một tên lửa phi hạt nhân mới được gọi là “vũ khí tấn công siêu thanh thông thường”. Hợp đồng bao gồm tất cả các điều khoản liên quan tới thiết kế, phát triển, lắp ráp, thử nghiệm và những kế hoạch hậu cần cũng như tích hợp các công cụ hỗ trợ trên máy bay để có thể phục vụ cho việc phóng tên lửa từ một máy bay chiến đấu.
Hợp đồng được ký kết trong bối cảnh các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ đều lên tiếng cảnh báo về những bước tiến vượt bậc của Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, cho phép tên lửa bay với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ âm thanh và tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Các vũ khí siêu thanh được cho là có thể dễ dàng "qua mặt" các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường vì có thiết kế ưu việt giúp đổi hướng bay và không theo một hình vòng cung có thể dự đoán trước như những tên lửa thông thường. Hồi tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga đã phát triển một loại tên lửa siêu thanh mới có thể vượt qua bất kỳ lá chắn tên lửa nào của phương Tây. Nga cũng chế tạo loại đầu đạn có khả năng bay lượn và siêu thanh, mang tên "Avangard" (Tiên phong), có thể đạt tới tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh.
Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ Gary Pennett khẳng định việc phát triển thành công các loại vũ khí siêu thanh có thể phóng từ các máy bay, tàu chiến hay tàu ngầm sẽ giúp lấp một khoảng trống đáng kể trong khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ. MDA cũng từng yêu cầu hỗ trợ 120 triệu USD để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh, cao hơn nhiều so với mức 75 triệu USD trong tài khóa 2018. Hồi đầu tháng này, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng ký hợp đồng với Lockheed Martin để phát triển "X-plane" - máy bay phản lực siêu thanh hoạt động ít ồn hơn.