Hãng tin Yonhap dẫn lời các quan chức giấu tên nêu trên cho biết phía Mỹ cũng nói rằng "không có cuộc thảo luận hay kế hoạch nào về việc rút hay giảm Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) liên quan đến việc ký kết một hiệp định hòa bình".
Thông điệp trên đã được gửi tới Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trong bối cảnh đang có tranh cãi về việc Tư lệnh USFK, Tướng Robert Abrams cho biết có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ giảm quân hoặc rút quân đội khỏi Hàn Quốc sau khi một hiệp định hòa bình được ký kết với Triều Tiên.
Trả lời câu hỏi của một thượng nghị sĩ về USFK trong một phiên họp Quốc hội Mỹ, vị tư lệnh trên cho biết quân đội Mỹ sẽ ở lại trên bán đảo Triều Tiên "cho tới khi có một hiệp định hòa bình", vì chúng ta vẫn đang trong tình trạng đình chiến, tức là ngừng thù địch, cho đến khi tất cả các bên ký kết một hiệp định hòa bình. Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về tương lại của USFK nếu đạt phi hạt nhân hóa và thiết lập một cơ chế hòa bình thay thế Hiệp định đình chiến sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tỏ ý muốn giảm chi phí triển khai binh sĩ Mỹ ở nước ngoài, làm dấy lên tin đồn rằng ông có thể đang cân nhắc rút hoặc giảm quân số USFK hoặc đặt vấn đề này lên bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27 - 28/2 tới tại Hà Nội.
Về việc này, Seoul giữ quan điểm là sự hiện diện của USFK, trọng tâm của quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, là một vấn đề liên quan đến đồng minh và sẽ được quyết định thông qua các cuộc đối thoại giữa Seoul và Washington.
Một số người Hàn Quốc lập luận rằng USFK sẽ vẫn đồn trú trên bán đảo Triều Tiên như một lực lượng gìn giữ hòa bình hoặc "ổn định khu vực" ngay cả sau khi ký kết một hiệp định hòa bình thay thế hiệp định đình chiến hiện nay.