Mỹ phát triển tên lửa hành trình LRSO

Không quân Mỹ sẽ phát triển tên lửa hành trình tầm xa mới, có khả năng tàng hình và tốc độ cao.
 
Không quân Mỹ đang lên kế hoạch cung cấp một hợp đồng quân sự cho 4 nhà thầu để phát triển công nghệ cho chương trình tên lửa hành trình tầm xa (LRSO) mới.
 
Hợp đồng sẽ được trao cho 4 công ty bao gồm Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman và Raytheon. Các công ty này sẽ nhận được một khoản tiền nhất định để tham gia nghiên cứu hỗ trợ cho chương trình tên lửa tầm xa để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển công nghệ.
 
Theo Flight Global, chương trình phát triển tên lửa mới có khả năng thay thế hầu hết các loại tên lửa đang lỗi thời, các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-86 trang bị đầu đạn thông thường.
 
Ngoài ra, LRSO cũng sẽ thay thế cho tên lửa tàng hình AGM-129, ít nhất là có một thiết kế mới hơn.
 
Ông Mark Gunzinger, nhà phân tích tới từ Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Ngân sách ở Washington nói rằng, chương trình LRSO rõ ràng cho thấy thêm bằng chứng Không quân Mỹ (USAF) đang tích cực phát triển các loại tên lửa hành trình tầm xa của họ để đảm bảo có được khả năng xâm nhập vào những khu vực gây tranh cãi.
 
“Hệ thống phòng không tích hợp ngày càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết, nó sẽ gây ra nhiều khó khăn đối với các hệ thống phòng thủ hiện tại. Do vậy, LRSO phải có khả năng tàng hình và sức chịu đựng tốt hơn để có những biện pháp trả đũa hiệu quả hơn so với những loại vũ khí mà nó sẽ thay thế”, ông Goure, chuyên gia phân tích ở viện Lexington nói.

 

B-52 sẽ có tên lửa hành trình tầm xa mới.

 

Ngoài ra, tên lửa cũng phải có tầm bắn xa hơn và có khả năng mang được nhiều loại đầu đạn cho những nhiệm vụ khác nhau. Nó cũng có thể bay nhanh hơn, có khả năng lượn lờ trên một khu vực hoặc thậm chí là thay đổi mục tiêu tấn công trong suốt chuyến bay.

 

Ông Gunzinger hy vọng rằng chương trình tên lửa mới sẽ dẫn đến một nỗ lực hợp tác phát triển giữa Không quân và Hải quân Mỹ để thay thế cho loại tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk.

 

“Hy vọng rằng, LRSO sẽ trở thành một chương trình tạo ra một tên lửa mà có thể được phóng từ các bệ phóng trên tàu của Hải quân Mỹ cũng như các nền tảng máy bay của Không quân Mỹ”, ông Gunzinger nói.

 

Nhưng ông Goure thì lại cho rằng, tiềm năng tạo ra cả một biến thể tên lửa cho hải quân là có thể, nhưng Không quân Mỹ có thể sẽ không sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận đi kèm với việc phát triển tên lửa cho hải quân.

 

Tên lửa hành trình phải có khả năng đặt trong ống phóng ngư lôi 21 inch và các ống phóng thẳng đứng của một tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, do đó kích thước của nó sẽ bị hạn chế. “Tên lửa mới sẽ không được lớn hơn kích thước tiêu chuẩn mà hải quân có thể lắp đặt”, ông Goure nói.

 

 

Theo baodatviet

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN