Thứ vũ khí này mang tên R9X, được thiết kế để nghiền nát mục tiêu bằng cách xuyên qua trần nhà hoặc trần xe ô tô nhờ 6 lưỡi dao lớn xòe ra vài giây trước cú va chạm.
Theo báo cáo, mục đích của R9X nhằm giảm thương vong ngoài ý muốn, khác với các loại tên lửa tiêu chuẩn mang theo các đầu đạn nổ, khi tấn công thường gây tác động đối với cả mục tiêu lẫn vùng xung quanh mục tiêu.
Tên lửa Hellfire được sử dụng trên máy bay không người lái của Mỹ thường tạo ra các vụ nổ phạm vi rộng lớn, thiêu rụi cả mục tiêu lẫn người và vật gần đó. Trong khi đó, “dao bay” R9X được mô tả là phiên bản cải tiến của Hellfire bằng kim loại, nặng 45kg và không chứa đầu đạn nổ. Với R9X, thuật ngữ “tấn công phẫu thuật” đã được nâng lên một tầm cao mới khi độ chính xác cao của nó có thể đoạt mạng một đối tượng duy nhất.
Dựa trên phỏng vấn với trên 10 quan chức trong chính quyền cũ và hiện tại, Wall Street Journal cho hay R9X được ra đời một phần là do cựu Tổng thống Barack Obama muốn tránh gây thương vong cho dân thường, đặc biệt do máy bay không người lái của Mỹ không kích.
Số liệu của Cục Báo chí Điều tra – thống kê tác động từ những vụ máy bay không người lái Mỹ không kích ở nước ngoài từ năm 2004 – trong 15 năm qua, khoảng 769 – 1.725 dân thường đã thiệt mạng, trong đó có 253 – 397 người là trẻ em.
Tạp chí này mô tả: “Đối với đối tượng bị nhắm đến, nó như thể một cái đe lao nhanh từ trên trời xuống”. Một số quan chức còn gọi nó “dao Ginsu bay”, bởi vì lưỡi dao có thể xé tọa cả bê tông, tấm kim loại, giống như loại dao nổi tiếng ở Mỹ.
Theo trang Gizmodo, cánh báo chí đã nghi ngờ về việc quân đội sử dụng một loại vũ khí mới từ năm 2017 sau khi xuất hiện hình ảnh hiện trường tấn công phó thủ lĩnh Abu Khayr al Masri của tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại tỉnh Idlib. Trong đó, tên này dường như bị tiêu diệt ngay trong một chiếc xe hơi với một lỗ hổng lớn trên nóc xe. Các phóng viên lưu ý tại thời điểm đó rằng chiếc xe vẫn còn nguyên vẹn đến ngạc nhiên.
Ngoài hạn chế thương vong ngoài ý muốn, tạp chí Wall Street Journal đưa tin Quân đội Mỹ cũng quan tâm đến công nghệ vũ khí mới này vì các nguyên nhân thực tiễn hơn. Trên thực tế, các phần tử khủng bố đã bắt đầu đối phó với không kích bằng cách lẩn trốn vào những vùng đông dân cư, khiến các hình thức oanh tạc truyền thống phải “bó tay”.
“Ginsu bay” còn có nhiều ưu điểm kỹ thuật khác. Do nó giảm thiểu nguy cơ sát thương với dân thường so với thiết bị nổ truyền thống, nó có thể triển khai tại nhiều địa điểm, cho phi công thêm nhiều cơ hội để tiêu diệt mục tiêu.
Tuy nhiên, độ chính xác và thông tin tình báo cần thiết để tiến hành một vụ không kích như vậy đòi hỏi thêm nguồn lực khác từ các sĩ quan và quan chức quân sự.
Báo cáo cho rằng loại tên lửa này đã được triển khai từ năm 2011 một cách chọn lọc, với 6 lần sử dụng. Trong số những mục tiêu được xác nhận là Jamal al-Badawi, kẻ chủ mưu vụ đánh bom năm 2000 khiến 17 thủy thủ thiệt mạng.