Tên lửa được phóng trong cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn ở bờ biển phía đông Hàn Quốc ngày 5/7. Ảnh: EPA/TTXVN |
Phát biểu tại Căn cứ Không quân Osan của Hàn Quốc, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho rằng các cuộc tập trận chung vô cùng quan trọng để hai nước đồng minh duy trì khả năng sẵn sàng đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên. Ông nhấn mạnh "điều cốt yếu là nỗ lực ngoại giao mạnh được hỗ trợ bởi nỗ lực quân sự mạnh".
Trước đó, Đô đốc Harris đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực ngoại giao trong việc giải quyết các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên, nêu rõ "điểm khởi đầu quan trọng nhất là điểm khởi đầu ngoại giao".
Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Vincent Brooks cũng cho rằng hai nước đồng minh cần tiếp tục các cuộc tập trận.
Cùng ngày 22/8, phát biểu tại Hội nghị về Giải trừ quân bị do Liên hợp quốc bảo trợ tại Geneva, Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay của Tổng thống Donald Trump là bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi “mối đe dọa đang gia tăng” do chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Quan chức này đồng thời nhấn mạnh Mỹ vẫn duy trì tư thế sẵn sàng sử dụng “mọi năng lực hiện có” để đối phó với vấn đề này.
Hiện chưa có phản hồi nào từ đại diện Triều Tiên tham gia hội nghị trước phát biểu trên của đại diện phía Mỹ.
Trong khi đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 22/8 cáo buộc Nhật Bản phải chịu trách nhiệm vì làm suy yếu an ninh khu vực khi Tokyo tiến hành tái quân sự hóa và tham gia tích cực vào các cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu chống Bình Nhưỡng.
Theo bài xã luận đăng tải trên KCNA, Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản 2017 được Bộ Quốc phòng nước này công bố ngày 8/8 đã mô tả chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nhật Bản”. KCNA nhấn mạnh các cuộc tập trận chung gần đây giữa Nhật Bản và Mỹ tại vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên đã đẩy tình hình khu vực vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất.
Về phía Nhật Bản, cùng ngày, tân Ngoại trưởng Taro Kono khẳng định cần duy trì sức ép quốc tế đối với Triều Tiên cho tới khi Bình Nhưỡng thể hiện lập trường rõ ràng sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.