Mua tên lửa siêu thanh Ấn Độ, Hải quân Philippines có thể làm gì?

Với việc mua tên lửa tối tân Brahmos, Philippines sẽ nâng cao đáng kể năng lực hải quân trên biển của mình.

Chú thích ảnh
Tên lửa Brahmos trong một cuộc duyệt binh của Ấn Độ. Ảnh: Facebook

Trong một nỗ lực nhằm củng cố hệ thống phòng thủ khiêm tốn của mình ở Biển Đông, Philippines mới đây thông báo ký với Ấn Độ hợp đồng mua tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos trị giá khoảng 375 triệu USD. Hợp đồng mua sắm quốc phòng này sẽ cung cấp cho Philippines ba khẩu đội tên lửa và biến Ấn Độ trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn của quốc gia Đông Nam Á này.

Hệ thống Brahmos sẽ được vận hành bởi Trung đoàn Phòng thủ Bờ biển (CDR) của Thủy quân lục chiến Philippines, và có thể được phóng từ các bệ phóng trên không, trên biển, mặt đất và dưới nước.

Trung đoàn CDR vừa được thành lập năm 2021 nhằm nâng cao khả năng của Philippines trong việc khẳng định quyền kiểm soát vùng biển thông qua việc chống tiếp cận / xâm nhập khu vực (còn gọi là A2/AD). Đơn vị dự kiến hoạt động đầy đủ vào năm 2026, với việc tên lửa Brahmos có thể sẽ được chuyển giao vào thời điểm đó.

Chú thích ảnh
Dàn tên lửa Brahmos trong một cuộc diễu binh của Ấn Độ.

Brahmos là tên lửa hoạt động theo cơ chế “phóng và quên” tầm bắn 290km, tốc độ Mach-3 trong suốt hành trình, trần bay 15 km và có thể bay thấp 10m ở giai đoạn cuối. Tên lửa trang bị Hệ thống dẫn đường quán tính (INS) và Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS). 

Tên lửa của Ấn Độ được gắn đầu đạn thông thường nặng 200 hoặc 300 kg, và có cấu hình giống hệt nhau cho các bệ phóng trên đất liền, trên biển. Nó kết hợp tốc độ cao và khả năng cơ động để né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, với một đầu đạn lớn để đảm bảo tính sát thương cao.

Philippines có kế hoạch mua phiên bản Brahmos trên đất liền, một hệ thống bao gồm bốn đến sáu bệ phóng tự động di động (MAL), một đài chỉ huy di động (MCP) và một xe tiếp đạn (MRV).

Ấn Độ tuyên bố tên lửa Brahmos của họ cung cấp khả năng tấn công đối với bất kỳ mục tiêu nào trên biển hoặc trên đất liền với độ chính xác cao, bất kể ngày hay đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. 

Mỗi MAL có hệ thống cung cấp điện, liên lạc và điều khiển hỏa lực riêng, đồng thời có thể nạp ba tên lửa. Tên lửa có thể được phóng đồng thời nhằm ba mục tiêu khác nhau hoặc trong các tổ hợp bắn khác.

Xem video tàu khu trục tàng hình Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa Brahmos (Nguồn: World Affairs)

Brahmos là một dự án hợp tác giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ và NPO Mashinostroyeniya của Nga nhằm sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh hai giai đoạn.

Tốc độ siêu thanh của Bhamos giúp nó có thời gian bay tới mục tiêu ngắn hơn, tác chiến nhanh hơn và tăng độ khó bị đánh chặn. Brahmos lần đầu tiên được đưa vào trang bị cho Hải quân Ấn Độ vào năm 2005, trong khi biến thể trên đất liền bắt đầu phục vụ Quân đội Ấn Độ từ năm 2007.

Với Philippines, tên lửa siêu thanh trước hết dự kiến được triển khai để ngăn chặn sự xâm phạm sâu hơn vào Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ). Điều đó cho thấy, nó cũng có thể được Lực lượng vũ trang Philippines sử dụng trong các vai trò tấn công trên bộ và chống hạm.

Chú thích ảnh
Phiên bản trên không của tên lửa Brahmos được phóng thử từ máy bay Sukhoi 30 MK-I. 

Các khẩu đội Brahmos dự kiến của Philippines có thể được sử dụng để ngăn chặn sự hiện diện của hải quân Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough, cách đảo Luzon, Philippines 222 km về phía tây.

Tuy nhiên, Brahmos có thể không hiệu quả như các nhà hoạch định chiến lược Philippines hy vọng do việc cải thiện khả năng phòng thủ của Trung Quốc, sự lỗi thời tương đối của Brahmos và nguồn dự trữ đạn tên lửa có thể hạn chế của Philippines.

Trung Quốc đang vận hành các tên lửa đất đối không HQ-9 nâng cấp được tối ưu hóa. Tên lửa Trung Quốc cũng có hệ thống dẫn đường tiên tiến, khả năng chống nhiễu đa mục tiêu và các tên lửa đánh chặn có tốc độ tối đa Mach 4,2 so với tốc độ Mach 3 của Brahmos.

Chú thích ảnh
Tên lửa HQ-9 của Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh. Ảnh: China's Daily

Đồng thời, các tàu khu trục Type 052D và tàu tuần dương Type 055 của Trung Quốc được trang bị HHQ-9B, phiên bản khác của HQ-9B. Những hệ thống phòng thủ tên lửa này của Trung Quốc được cho là có thể làm giảm đáng kể xác suất thành công của một cuộc tấn công tiềm tàng với tên lửa Brahmos do Philippines thực hiện ở khu vực điểm nóng hàng hải.

Xét tới các hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc được triển khai tới các đảo và các tàu chiến ở Biển Đông, thì Philippines sẽ cần bắn một số lượng lớn tên lửa Brahmos để đảm bảo một cú đánh thành công, thậm chí có thể nhiều hơn số lượng tên lửa còn hạn chế mà Manila dự định mua từ Ấn Độ.

Hiện tại, thế hệ tên lửa Brahmos II đang được phát triển, đạt tốc độ Mach 6, nhưng không rõ khi nào nó đi vào hoạt động hoặc liệu nó có được bán cho Philippines hay không.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asiatimes)
Đằng sau việc Mỹ công khai đưa tin tàu ngầm tên lửa đạn đạo đến Guam
Đằng sau việc Mỹ công khai đưa tin tàu ngầm tên lửa đạn đạo đến Guam

Mỹ công khai xác nhận một trong những vũ khí mạnh nhất của Hải quân nước này đã cập cảng tại Guam vào 15/1. Các nhà phân tích đánh giá động thái này là thông điệp Mỹ gửi đến các đồng minh và đối tác ở thời điểm căng thẳng gia tăng tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN