Hé lộ tên lửa 'bí ẩn' bắn hạ drone tấn công căn cứ Mỹ ở Iraq

Không rõ tại sao Lầu Năm Góc chưa xác nhận loại tên lửa được sử dụng để đẩy lùi cuộc tấn công nghi của Iran vào căn cứ không quân Ain Al-Assad.

Chú thích ảnh
Một bệ phóng vác vai tên lửa phòng không FIM-92 Stinger trong Chiến dịch Bão táp sa mạc. Có suy đoán rằng một quả Stinger đã bắn hạ chiếc drone mới tấn công căn cứ của Mỹ ở Iraq. Ảnh: WikiCommons

Ngay tuần đầu tiên của tháng 1 này, căn cứ không quân Ain al-Assad nằm cách Baghdad khoảng 260km về phía tây đã trở thành mục tiêu của ba cuộc tấn công riêng biệt bằng máy bay không người lái (drone). Một trong những chiếc máy bay không người lái đó có chữ "Revenge" nguệch ngoạc trên cánh. Loạt cuộc tấn công diễn ra vào đúng ngày tưởng niệm vụ ám sát Chỉ huy lực lượng Quds của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), tướng Qasem Soleimani, ngày 3/1/2020.

Lực lượng Mỹ tại Iraq đã đáp trả. Những cú bắn hạ máy bay không người lái ban đầu chỉ do hệ thống C-RAM (hoả tiễn đánh chặn, pháo binh và súng cối tự động) của quân đội Mỹ, nhưng video ghi lại cho thấy ít nhất một trong các drone lạ đã bị bắn hạ bởi một tên lửa.

Chuyên gia tên lửa hàng đầu của Israel, Uzi Rubin, là một trong những người đầu tiên xác định rằng tên lửa là một phần trong phản ứng của Mỹ đối với cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nói trên, dựa trên một video xuất hiện lần đầu trên Twitter. 

Lầu Năm Góc sau đó thừa nhận rằng một tên lửa đã được bắn đi, nhưng từ chối xác định loại tên lửa hoặc hệ thống phòng không liên quan đến nó.

Theo trang Asiatimes, có hai loại máy bay không người lái được sử dụng trong các cuộc tấn công được cho của Iran. Một chiếc có động cơ piston Trung Quốc xi-lanh đơn (chưa xác định kiểu máy bay) và trong vụ tấn công thứ ba, một chiếc lớn hơn với động cơ piston Trung Quốc hai xi-lanh, có thể là kiểu DLE-111 hoặc một chiếc khá giống. Những động cơ này được bán với giá dưới 1.000 USD.

Chú thích ảnh
Một mô hình mô phỏng "máy bay không người lái liều chết” IAI Harop do Israel sản xuất được các lực lượng Azerbaijan sử dụng ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: Handout

Chiếc drone lớn hơn được sử dụng trong vụ tấn công ngày 3/1 không phải loại cánh tam giác. Nó là chiếc máy bay kiểu dáng thông thường, với thân hình ống. Theo Rubi, một phiên bản chiếc drone này, gọi là Shihab, được cung cấp cho nhóm Hamas ở Gaza. Phong trào Hamas mô tả nó như một máy bay liều chết và đã cung cấp một video về nó. 

Hệ thống C-RAM và những hạn chế

Hệ thống C-RAM của quân đội Mỹ là loại súng Gatling 20mm đa nòng được lắp trên xe bánh hơi lớn. Nó dựa trên súng Phalanx nổi tiếng hiện nay của hải quân (còn gọi là CIWS, hệ thống vũ khí tầm gần) - một biện pháp phòng thủ cuối cùng chống lại tên lửa lướt trên biển.

Một sự khác biệt chính là ở đạn dược. Không giống như đạn hải quân, đạn C-RAM sẽ tự hủy sau một khoảng thời gian cố định. C-RAM có một phạm vi bắn hạn chế, chỉ khoảng 1.486 mét.

Tại một căn cứ không quân lớn như Ain al-Assad, C-RAM có khả năng bắn trúng mục tiêu khi mục tiêu ở ngay trên căn cứ. Hệ thống này có hiệu quả chống lại các máy bay không người lái bay chậm với điều kiện là chúng được thu nhận bởi radar hoặc các cảm biến khác, chẳng hạn như Radar Hồng ngoại Nhìn về phía trước (FLIR).

Chú thích ảnh
Căn cứ Ain al-Assad sau một vụ tấn công.

Ngoài phạm vi bắn hạn chế, nó còn có hai khuyết điểm khác: C-RAM phải bắn đủ loạt đạn vào một máy bay không người lái để có thể trúng mục tiêu và nó có thể không tiêu diệt hoàn toàn máy bay không người lái, đặc biệt là một drone liều chết. C-RAM cũng bị giới hạn về số lượng mục tiêu mà nó có thể bắn cùng một lúc vì yêu cầu đảm bảo tiêu diệt chiếc drone đầu tiên lao tới.

Tốc độ bắn của C-RAM là 4.500 viên / phút. Băng đạn của nó chứa được 1.550 viên đạn. C-RAM có thể không hữu ích trong bối cảnh số lượng máy bay không người lái địch quá đông vì nó phải nhắm vào một mục tiêu cho đến khi hạ được. 

Tên lửa Stinger tái xuất

Trong khi đó, loại tên lửa chống máy bay không người lái duy nhất được cung cấp cho Quân đội Mỹ là FIM-92 Stinger. Đây là tên lửa phòng không di động (MANPADS) được cung cấp cho các mujahideen ở Afghanistan để chống lại trực thăng vũ trang, máy bay vận tải và chiến đấu cơ của Liên Xô cũ.

Nó được cho là đã bắn rơi 270 máy bay các loại của Liên Xô và Afghanistan, mặc dù tỷ lệ thành công chỉ là 20%, khi xạ thủ thường đang bị tấn công và thiếu kinh nghiệm.

Lục quân Mỹ đến nay vẫn sử dụng tên lửa Stinger, nhưng cùng với các phiên bản MANPADS, họ có hai mô hình hệ thống phòng không gồm: Hệ thống Phòng không Avenger được gắn trên xe bánh lốp cơ động cao (HMMWV), và M SHORAD, một hệ thống phòng không được đặt trên xe Stryker bọc thép cải tiến.

Chú thích ảnh
Một tên lửa Stinger đang được phóng. Ảnh: WikiCommons

Avenger là hệ thống cũ hơn, đi vào hoạt động từ năm 1989, có thể mang 4 hoặc 8 tên lửa Stinger. Vào năm 2017, một hệ thống Avenger đã hạ gục máy bay không người lái. Cuộc thử nghiệm đó có lẽ bao gồm một đầu đạn Stinger sửa đổi.

Vì Avenger là một chiếc xe “mỏng manh” và dễ bị tổn thương, vào cuối những năm 1990, hầu hết chúng đều được lưu kho. Tuy nhiên, khi mối đe dọa từ UAV ngày càng gia tăng, không chỉ ở Trung Đông mà dọc theo biên giới NATO, nhiều chiếc Avenger đã được rút khỏi kho bảo quản, nâng cấp và triển khai.

Có bằng chứng rõ ràng rằng những chiếc Avenger mang theo tên lửa Stinger gần đây đã xuất hiện ở cả Iraq và Syria, hỗ trợ cho quân đội Mỹ.

Không giống như Avenger, M SHORAD mới được đưa vào hoạt động và dường như chủ yếu phục vụ các chiến dịch của NATO, nơi nó bảo vệ các phi công tốt hơn, với các cảm biến được cải tiến. Ngoài ra còn có những cải tiến trong đầu đạn của Stinger và các thành phần tên lửa khác.

Có thể tin rằng chiếc máy bay không người lái loại lớn hơn của Iran tham gia tấn công căn cứ không quân Ain al-Assad đã bị bắn hạ bởi một tên lửa Stinger từ hệ thống Avenger, vì lý do đơn giản là Mỹ không có bất cứ thứ gì khác ở đó. Điều không rõ là tại sao Lầu Năm Góc vẫn chưa xác nhận loại tên lửa được sử dụng.

Có rất nhiều hệ thống chống máy bay không người lái, một số có súng, một số trang bị tên lửa, một số trang bị tia laser (chẳng hạn như Iron Beam mới của Israel), nhưng Quân đội Mỹ dường như chưa triển khai bất kỳ hệ thống nào.

Một hệ thống phòng không đặc biệt hiệu quả là Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel, hoạt động chống lại máy bay không người lái và tên lửa. Nhưng nó không bao giờ được Quân đội Mỹ triển khai ngoại trừ một thời gian ngắn ở Guam, không rõ lý do nhưng không phải để bảo vệ binh lính Mỹ hoặc đồng minh.

Quân đội Mỹ cho biết họ đang nghiên cứu Hệ thống Phòng không Tích hợp, có thể triển khai để chống lại máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa tầm ngắn loại Katyusha. Nhưng sẽ mất một thời gian trước khi một hệ thống như vậy được thử nghiệm và triển khai đầy đủ.

Với sự gia tăng của các mối đe dọa từ máy bay không người lái trên toàn thế giới, thật khó giải thích tại sao Lầu Năm Góc lại quá chậm chạp trong việc đưa ra các biện pháp đối phó xứng tầm.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asiatimes)
Nga trang bị thiết bị lặn không người lái cho tàu quét mìn của Hải quân
Nga trang bị thiết bị lặn không người lái cho tàu quét mìn của Hải quân

Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định trang bị cho các tàu quét mìn Hải quân nước này thiết bị lặn ngầm Marlin-350. Những thiết bị được điều khiển từ xa này sẽ được sử dụng để rà phá mìn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN