MiG-35 có khả năng không chiến, tấn công trên bộ và trên biển tốt. Nổi tiếng với khả năng cơ động và linh hoạt trên không, loại máy bay chiến đấu này có thể thay thế cho chiến đấu cơ Rafale mà Ấn Độ đang dự định mua của Pháp.
Ban đầu, chỉ có những máy bay phản lực Sukhoi như Su-30MKI mà Ấn Độ đặt hàng là có thể thực hiện các hành động giúp cho những phi công điều khiển có lợi thế chiến thuật trong các trận không chiến. Nhưng giờ đây, ưu thế độc quyền này đã bị phá bởi một loại máy bay chiến đấu khác của Nga: MiG-35.
Máy bay chiến đấu MiG-35 của Nga. |
Nhìn tổng thể bên ngoài, MiG-35 không mấy khác biệt so với Mig-29, nhưng nắp buồng lái là khác nhau – hoàn toàn bằng kính, như trong các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mới nhất F-22 Raptor của Mỹ và T-50 của Nga. Buồng lái của MiG-35 không còn chứa thiết bị kiểu con trỏ (pointer-type) nữa, mà chỉ có màn hình LCD hiển thị thông tin chiến đấu và một chuyến bay hoàn chỉnh. Theo ông Givi Janjgava, người đứng đầu của Technocomplex, công ty phát triển các thiết bị điện tử hiện đại cho ngành hàng không Nga, đây là nguyên mẫu buồng lái của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Bí quyết thứ hai của MiG-35 là động cơ RD-33OVT mới nhất do Văn phòng xây dựng Klimov chế tạo. Ống phun của nó có thể quay theo bất kỳ hướng nào, đặc điểm này khiến MiG-35 hoàn toàn khác so với các máy bay như Su-30MKI hay F-22. Nói một cách đơn giản, MiG-35 linh hoạt hơn và có thể kiểm soát được trong tất cả các chế độ.
MiG-35 có khả năng tấn công các mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển tốt như nhau. Máy bay phản lực này được trang bị radar Zhuk-ME, với chế độ bản đồ địa hình. Phạm vi hoạt động của các thiết bị vũ khí định hướng và không định hướng được sử dụng trên máy bay này đã được mở rộng đáng kể. Không giống như các phiên bản trước đó của nó, MiG-35 có tải trọng khoảng 6 tấn thay vì 4 tấn, gần bằng tải trọng của một chiếc máy bay chiến đấu hạng nặng (8 tấn).
Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. |
Cách đây không lâu, Mig-35 cũng đã tham gia vào một gói dự thầu của Ấn Độ nhằm cung cấp 126 máy bay chiến đấu hạng nhẹ trị giá 10 tỷ USD. Tuy nhiên, loại máy bay Rafale của Pháp đã giành được thương vụ này. Lý do được đưa ra là vì Rafale có lợi thế hơn về công nghệ so với các đối thủ cạnh tranh, cùng với lời hứa của Paris về việc chuyển giao công nghệ sản xuất chủ yếu của loại máy bay này cho New Delhi.
Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thống kê về chi phí cuối cùng của các máy bay này và về nhu cầu chuyển giao công nghệ sản xuất của Ấn Độ. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrika gần đây nói rằng thỏa thuận Rafale là quá tốn kém đối với New Delhi. Công ty Dassault Aviation đã tăng gấp đôi giá mỗi chiếc Rafale từ 65 triệu USD lên 120 triệu USD. Điều này sẽ khiến cho chi phí toàn bộ lô hàng 126 chiếc Rafale là khoảng 28-30 tỷ USD thay vì 10 tỷ USD như ban đầu.
Thêm vào đó, việc trang bị tên lửa và bom cho loại máy bay chiến đấu này cũng đặt ra gánh nặng tài chính lớn. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ V.K Singh từng ghi nhận giá cả và độ tin cậy của máy bay chiến đấu đa chức năng Su-30 của Nga, được sản xuất theo giấy phép tại Ấn Độ, có sự hấp dẫn hơn so với máy bay Rafale của Pháp. Có lẽ quân đội Ấn Độ nên chuyển sự chú ý của mình sang máy bay chiến đấu hạng nhẹ MiG-35 của Nga, vốn có thể cất cánh không chỉ từ các sân bay nhỏ trên mặt đất mà còn hoạt động được trên cả tàu sân bay. Đây cũng là lý do mà quân đội Nga đang đặt mua loại máy bay này.
Công Thuận (Theo R.I.R)