Đài Sputnik dẫn nguồn tin địa phương cho biết hệ thống radar TwInvis của Hensoldt – được trang bị các bộ xử lý và cảm biến phức tạp – đã theo dõi được tàng hình cơ của Mỹ tại triển lãm hàng không Berlin cuối năm 2018.
Hệ thống TwInvgis có khả năng phá vỡ công nghệ tàng hình của F-35 bằng cách quan sát khí thải điện từ trong khí quyển, theo dõi tín hiệu từ đài phát thanh và truyền hình cũng như tháp điện thoại di động.
Về hai chiếc máy bay F-35 trong vụ việc trên, chúng bị phát hiện sau khi được điều đến Đức từ căn cứ không quân Luke ở Arizona nhân buổi triển lãm. Tuy nhiên, hai chiếc F-35 đã không cất cánh tại sự kiện hàng không trên nên một trạm radar thụ động TwInvis đặt ở góc sân bay không thể ghi nhận được dấu vết của chúng.
Tuy vậy, Hensoldt vẫn tiếp tục theo dõi cặp tiêm kích Mỹ. Sau khi nhà sản xuất radar này nắm được tin chúng sắp sửa rời Đức về Mỹ, họ lập tức kích hoạt hệ thống TwInvis đặt tại trang trại ngựa gần sân bay nơi diễn ra cuộc triển lãm.
Người phát ngôn Văn Phòng Chương trình Chung F-35 từ chối bình luận về vấn đề trên. Tuy nhiên, người phát ngôn của tập đoàn Lockheed Michael Friedman viết trên trang Defence News: “Khi F-35 không thực hiện sứ mệnh cần phải tàng hình – ví dụ, tại các triển lãm hàng không, bay về căn cứ hoặc bay huấn luyện, cac máy bay sẽ để các trạm giám sát không lưu cùng các hệ thống khác có thể theo dõi đường bay để quản lý an toàn hàng không”.
Sự việc trên một lần nữa khiến máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ năm do Mỹ sản xuất tiếp tục phải đối mặt với một loạt các vấn đề cơ học, mặc dù chương trình này đã được phát triển trong nhiều thập kỷ với ngân sách vượt quá 1.000 tỷ USD.
Theo những tài liệu Defence News nắm được, một số phi công F-35 đã gặp tình trạng áp suất trong khoang lái tăng cao khiến họ bị đau xoang mũi và nhức tai, trong khi máy bay bị biến dạng ở vận tốc lớn hơn Mach 1.2 cũng như gặp vấn đề hoạt động ở vùng thời tiết lạnh giá.