Theo trang tin Eurasia News Online (eurasia-news-online.com), Pháp có tổ hợp công nghiệp-quân sự mạnh ở châu Âu. Trên thế giới, tổ hợp công nghiệp quốc phòng Pháp chỉ đứng sau Mỹ. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Mỹ đang tìm cách cản trở hoặc ngăn chặn các đơn đặt hàng của Pháp mà không e ngại.
Như trang Military Review đánh giá: “Ngành công nghiệp quốc phòng của Pháp là duy nhất ở phương Tây, trừ Mỹ. Tổ hợp công nghiệp-quân sự Pháp có khả năng thiết kế và sản xuất tất cả các hệ thống quân sự: xe bọc thép, máy bay chiến đấu, tàu ngầm, trực thăng, tên lửa, radar, hệ thống vũ trụ… ”.
Trước đây, Pháp đã phải hủy bỏ hợp đồng đóng tàu sân bay trực thăng Mistral cho Nga dưới áp lực của Mỹ và phải bồi thường cho Nga hàng tỷ euro.
Cũng vào mùa thu năm ngoái, Mỹ đã thiết lập liên minh AUKUS với Anh và Australia, khiến Pháp mất hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá khoảng 40 tỷ USD cho Australia.
Những ví dụ trên không phải là những trường hợp cá biệt. Mỹ đã gây trở ngại đáng kể cho Pháp - đối thủ mạnh của mình trên thị trường vũ khí quốc tế - một cách có hệ thống trong thời gian dài.
Năm 2016, nhà chức trách Ba Lan bất ngờ hủy hợp đồng mua 50 máy bay trực thăng vận tải quân sự H225M Caracal với hãng Airbus Helicopters (thuộc Tập đoàn Airbus của Pháp).
Năm 2021, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Geneva (trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin), Thụy Sĩ bất ngờ gọi F-35 là “máy bay tốt nhất” và từ chối “tất cả các lựa chọn khác”, trong đó có máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.
Có thể nói, Mỹ đã gây áp lực với Pháp, liên quan đến việc cung cấp các tàu hộ tống cho Qatar đến các tàu ngầm cho Australia. Thậm chí vào cuối năm 2021, Mỹ muốn loại bỏ Rafale khỏi cuộc đấu thầu của Indonesia để mua F-16 Viper.
Pháp có thể không hài lòng với “chính sách” này của Mỹ và đây là thực tế phũ phàng: Thị thường đôi khi không tuân theo các quy tắc vốn có. Ví dụ, tàu ngầm hạt nhân lớp Suffren của Pháp có giá khoảng 1 tỷ euro, trong khi tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ có giá khoảng 3,5 tỷ USD, mặc dù nó kém hơn về hiệu quả cơ động.
Có thể cho rằng, sự sụp đổ của tổ hợp công nghiệp-quân sự của Pháp vừa mang tính thương mại vừa mang tính chiến lược đối với Mỹ. Trên thực tế, sau khi loại bỏ một đối thủ cạnh tranh trực tiếp, Mỹ sẽ trở thành đối tác được lựa chọn. Kết quả là, Mỹ sẽ trở thành nhà cung cấp vũ khí độc quyền với những điều khoản của riêng mình. Ngược lại, khi các tổ hợp quân sự Pháp bị mất hợp đồng, Paris có thể sẽ mất “chủ quyền”, có nghĩa quân đội châu Âu không thể có các loại vũ khí của riêng mình.