Kênh CNN (Mỹ) nhận định giới chức châu Âu đã trăn trở về viễn cảnh này trong một thời gian dài. Gần đây, Hạ viện Mỹ từ chối bật đèn xanh cho gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD cho Kiev và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump góp mặt trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới. Sau cuộc gặp với ông Trump tại Mỹ tháng 3 này, Thư tướng Hungary Viktor Orbán chia sẻ với truyền thông rằng chính trị gia đại diện đảng Cộng hoà sẽ ngừng viện trợ cho Ukraine nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tại hội nghị của Hội đồng châu Âu trong tuần này, khối đã đồng ý nghiên cứu thêm những cách thức mới để gây quỹ cho Ukraine. Một trong số đó có đề xuất gây tranh cãi là sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo chia sẻ rằng có “cởi mở, ít nhất là từ phía chúng tôi” đối với các cách tài trợ mới. Nhà lãnh đạo này đồng thời nhấn mạnh châu Âu không thể chờ Mỹ quyết định.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU đã không thống nhất bất cứ khoản tiền mới nào dành cho vũ khí. Đó có thể là một vấn đề. Nhu cầu vũ khí của Ukraine ngày càng cấp thiết. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần nói với các đồng minh phương Tây rằng thách thức lớn nhất mà nước này phải đối mặt hiện nay là thâm hụt vũ khí.
Trên thực tế, theo Viện Kiel (Đức), bất chấp bất đồng công khai giữa 27 quốc gia thành viên về những vấn đề như chuyển xe tăng và liệu có nên trích tiền trực tiếp từ ngân sách EU hay không, toàn khối đã gửi nhiều tiền đến Kiev hơn cả Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ có 5,6 tỷ USD trong tổng số 85 tỷ USD của EU được phân bổ cụ thể cho viện trợ quân sự, còn lại 2,2 tỷ USD viện trợ nhân đạo và 77,1 tỷ USD viện trợ tài chính. Đây chính là lúc câu hỏi trở nên phức tạp hơn, liệu châu Âu có thực sự thay thế được Mỹ hay không.
Một số quan chức châu Âu coi đây là vấn đề kinh tế thuần túy. Dữ liệu gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga ở mức 2,24 nghìn tỷ USD, so với 16,75 nghìn tỷ USD của EU. Trên lý thuyết, điều này có nghĩa là châu Âu có thể tồn tại lâu hơn Nga nếu cuộc chiến trở thành vấn đề tiêu hao kinh tế. Như vậy, châu Âu có đủ tiền để bù đắp cho khoảng trống của Mỹ.
Nhưng khó khăn nằm ở mặt chính trị. EU bao gồm 27 quốc gia có chủ quyền, tất cả đều có chính sách đối ngoại độc lập. Một số là thành viên của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một số nằm ngoài khối quân sự này và chính thức trung lập. Một số thành viên EU cảm thấy thoải mái với việc mua vũ khí của Mỹ và gửi chúng tới Ukraine, số khác thì không. Một số nước có vị trí địa lý gần Nga và lo ngại xung đột sẽ tràn sang biên giới của họ, số khác lại cách xa Moskva về mặt địa lý và đã có quan hệ kinh tế tốt đẹp với Nga trong nhiều thập niên.
Tuy nhiên, đã sang năm thứ ba của xung đột Nga-Ukraine và tư duy của người châu Âu cũng chuyển biến. Nhiều nhà ngoại giao và quan chức trước đó cho rằng vai trò của Brussels là hỗ trợ tài chính cho Kiev để duy trì chức năng cơ bản của chính phủ Ukraine và tiếp nhận người tị nạn... còn Mỹ đảm nhận phần vũ khí.
Gần đây, EU đang coi trọng việc phòng thủ hơn. EU đã tiết lộ kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu có thể sánh ngang với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ trong tương lai. Nhưng đây là kế hoạch dài hạn.
Trong ngắn hạn, Ukraine cần vũ khí khẩn cấp. Tổng thống Ukraine Zelensky vào ngày 26/2 cho biết EU cho đến nay mới chỉ giao 30% trong số 1 triệu quả đạn pháo đã cam kết. EU thừa nhận vào cuối tháng 1 rằng họ sẽ phải trì hoãn mục tiêu vài tháng.
Một sáng kiến do Séc đề xuất, được 17 quốc gia thành viên EU ủng hộ là mua đạn dược bên ngoài châu Âu để nhanh chóng chuyển các thiết bị quân sự cần thiết đến Ukraine. Tất nhiên, Ukraine hoan nghênh sáng kiến này nhưng cũng thừa nhận nó sẽ không thể lấp được lỗ hổng của Mỹ.
Đầu tháng này, Ngoại trưởng Ukraine cho biết: “Sáng kiến của Séc rất tuyệt vời nhưng vẫn chưa đủ. Nếu ngoài sáng kiến của Séc, hai sáng kiến nữa được thực hiện trong năm nay thì quân đội Nga sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn trên tiền tuyến”. Một số nhà quan sát nhận định phát biểu này là ám chỉ đến gói viện trợ quân sự đang bế tắc tại Quốc hội Mỹ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng vui mừng với tin tức vào tháng trước rằng 18 thành viên của khối quân sự sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng. Đó là cải thiện đáng kể so với một thập niên trước, khi chỉ có ba quốc gia NATO đáp ứng được ngưỡng tối thiểu. Nhưng điều đó vẫn có nghĩa là hơn một phần ba thành viên vẫn không đạt được mục tiêu này.
Xung đột càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng gây mệt mỏi. Áp lực lên ngân sách từ những yếu tố như dịch vụ công và lương hưu càng lớn thì càng khó biện minh cho việc cấp tiền cho một quốc gia khác để trang trải cho xung đột. Và đó chính là điều có thể khiến tư duy của châu Âu đi theo một trong hai hướng: đảm bảo Ukraine đánh bại Nga hoặc để Kiev tự lo liệu.
Cây bút Luke McGee tại CNN kết luận châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại và ở một số khía cạnh, họ đang cố gắng làm điều đó. Nhưng liệu EU có đủ ý chí hay không vẫn là một ẩn số lớn.