Liên bang Nga sắp công bố bước tiến quan trọng trong công nghệ chiến tranh tự động

Liên bang Nga đang phát triển hệ thống tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), giúp bầy thiết bị bay không người lái (UAV) điều khiển bằng cáp quang hoạt động như một thực thể duy nhất nhằm thực hiện nhiệm vụ tác chiến.

Chú thích ảnh
Kênh Telegram "Chuyên gia Drone" ngày 5/2/2025 cho biết các nhà thiết kế của Liên bang Nga đang phát triển hệ thống điều khiển và sạc cho bầy thiết bị bay không người lái sử dụng cáp quang mang tên “Cerberus”. Ảnh chụp màn hình tài khoản Дрон Эксперт/Telegram

Tại trung tâm ngành công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga, Cục Thiết kế Starooskolskoye “Reanimator” đang phát triển một dự án quân sự đầy tham vọng mang tên “Cerberus”. Hệ thống này cho phép điều khiển một bầy thiết bị bay không người lái thông qua cáp quang, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công nghệ chiến tranh tự động.

Theo hãng tin Izvestia, lần ra mắt công khai đầu tiên của “Cerberus” dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 tới, tại diễn đàn quân sự “Army-2025”. Đóng vai trò như một nền tảng di động, hệ thống “Cerberus” được lắp đặt trên khung xe tải, chứa từ sáu đến mười hai nhà chứa thiết bị bay không người lái kết nối với xe điều khiển bằng cáp quang. Tuy nhiên, hệ thống “Cerberus” không chỉ vận chuyển thiết bị bay không người lái, mà còn là một đơn vị chiến đấu tự vận hành.

Tính năng và cách vận hành của hệ thống “Cerberus”

Các thiết bị bay không người lái trong hệ thống “Cerberus” được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ trinh sát, giám sát đến tấn công trực tiếp bằng đạn dược trang bị trên thiết bị bay không người lái. Yếu tố quan trọng của hệ thống “Cerberus” là tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), giúp bầy thiết bị bay không người lái hoạt động như một thực thể duy nhất, có thể thích ứng linh hoạt với điều kiện chiến trường.

Theo tài liệu giới thiệu về hệ thống “Cerberus”, mô-đun AI của nó có thể được lập trình để thực hiện nhiệm vụ một cách tự động. Điều này có nghĩa là nhân viên điều khiển hệ thống chủ yếu sẽ theo dõi và điều chỉnh thay vì kiểm soát trực tiếp từng thiết bị bay không người lái.

Ông Mikhail Klimchuk, giám đốc điều hành của Reanimator, mô tả hệ thống “Cerberus” không chỉ là một nền tảng phóng thiết bị bay không người lái, mà còn là một trung tâm điều khiển hoàn chỉnh cho các thiết bị bay không người lái nhỏ hơn. “Đây là nơi cung cấp nhiên liệu, bộ não và nhà chứa cho các thiết bị bay không người lái”, ông cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng hệ thống này không chỉ liên kết các thiết bị bay không người lái mà còn cho phép chúng hoán đổi linh hoạt khi cần thiết.

Trong các kịch bản tác chiến, các thiết bị bay không người lái trong hệ thống “Cerberus” có thể hoạt động theo cặp. Trong đó, một chiếc thực hiện nhiệm vụ trinh sát, phát hiện và đánh dấu mục tiêu, chiếc còn lại tấn công, có thể sử dụng tên lửa hoặc tự hủy để tiêu diệt mục tiêu nếu cần thiết.

Khả năng kết hợp linh hoạt này giúp tăng hiệu suất chiến đấu của hệ thống trong nhiều tình huống khác nhau.

Chú thích ảnh
Các phương tiện truyền thông Nga và các blogger quân sự đang đưa tin rằng Lực lượng Hệ thống Không người lái (Unmanned Systems Forces) của Liên bang Nga sẽ có tới 210.000 quân nhân vào năm 2030, được tổ chức thành 277 đơn vị quân sự. Ảnh chụp màn hình Telegram/Skyindustry

Ứng dụng và tiềm năng chiến đấu của hệ thống “Cerberus”

Ngoài nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp, hệ thống “Cerberus” còn có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo và xác định mục tiêu chính xác cho các hệ thống vũ khí khác; thực hiện nhiệm vụ phòng thủ như triển khai mồi nhiệt để đánh lừa tên lửa của đối phương hoặc phối hợp với hệ thống phòng không để bảo vệ khu vực chiến đấu.

Sự phát triển của hệ thống “Cerberus” thể hiện nỗ lực của Liên bang Nga trong việc tích hợp công nghệ tiên tiến vào quân đội. Khi hệ thống này tiến gần đến ngày công bố, nó không chỉ minh chứng tiềm năng của chiến thuật bầy thiết bị bay không người lái trong chiến tranh hiện đại, mà còn đặt ra câu hỏi về tương lai của các cuộc chiến, nơi AI và tự động hóa ngày càng đóng vai trò trung tâm.

Chiến thuật bầy thiết bị bay không người lái và tác động toàn cầu

Công nghệ bầy thiết bị bay không người lái ngày càng trở nên quan trọng trong chiến tranh hiện đại, mở ra những phương thức kiểm soát không phận và chiến trường hoàn toàn mới. Các chiến thuật này dựa trên nguyên tắc trí tuệ bầy đàn (swarm intelligence), nơi các thiết bị bay không người lái hoạt động như một tập thể có tổ chức, tương tự như bầy ong hoặc đàn kiến trong tự nhiên.

Ưu điểm chiến thuật của bầy thiết bị bay không người lái

- Trinh sát và giám sát: Các thiết bị bay không người lái có thể phân tán trên diện rộng, cung cấp hình ảnh chiến trường theo thời gian thực từ nhiều góc độ, đặc biệt hữu ích trong các khu vực địa hình phức tạp hoặc đô thị.

- Tấn công dồn dập (saturation attacks): Bầy thiết bị bay không người lái có thể đồng loạt tấn công từ nhiều hướng, khiến hệ thống phòng thủ của đối phương khó chống đỡ tất cả cùng lúc.

- Tấn công chính xác: Dù mỗi drone có thể chỉ mang lượng vũ khí hạn chế, nhưng khi phối hợp cùng nhau, chúng có thể đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao, giảm thiểu thiệt hại ngoài ý muốn.

Ngoài chiến tranh, công nghệ này còn có thể được ứng dụng trong tìm kiếm và cứu hộ, giúp quét những khu vực rộng lớn để tìm kiếm người sống sót trong thiên tai.

Thách thức và mối đe dọa tiềm ẩn từ bầy thiết bị bay không người lái

Dù có nhiều lợi thế, bầy thiết bị bay không người lái cũng phải đối mặt với những thách thức lớn.

Thứ nhất là công nghệ chống drone. Các biện pháp đối phó đang phát triển nhanh chóng, bao gồm tác chiến điện tử (EW) để gây nhiễu liên lạc, vũ khí năng lượng định hướng (DEW), hoặc thậm chí sử dụng lưới để bắt thiết bị bay không người lái.

Thứ hai là an ninh mạng. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng hệ thống điều khiển không bị tin tặc chiếm quyền hoặc bị can thiệp bởi đối phương.

Thứ ba là về đạo đức và pháp lý. Việc sử dụng bầy thiết bị bay không người lái tự động trong chiến tranh đang gây tranh cãi trên phạm vi quốc tế. Các câu hỏi về trách nhiệm, luật chiến tranh và nguy cơ gây thương vong ngoài ý muốn đang trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi.

Xem video Tổng thống Ukraine Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố sáng kiến mang tên “Phòng tuyến thiết bị không người lái” (Drone Line). Nguồn: Tài khoản mạng xã hội X của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Cạnh tranh toàn cầu trong công nghệ bầy thiết bị bay không người lái

Hiện nay, nhiều quốc gia đang chạy đua phát triển công nghệ này, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Liên bang Nga và Israel. Các tập đoàn công nghệ quân sự tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng khả năng và ứng dụng của bầy thiết bị bay không người lái.

Khi AI và tự động hóa tiếp tục phát triển, bầy thiết bị bay không người lái hứa hẹn sẽ thay đổi bản chất của chiến tranh trong thế kỷ 21. Câu hỏi đặt ra không chỉ là ai sẽ dẫn đầu trong cuộc đua này, mà còn là thế giới sẽ đối phó với những hệ thống chiến đấu tự động này như thế nào.

Về phía Ukraine, ngày 9/2, Tổng thống nước này, ông Volodymyr Zelensky đã công bố sáng kiến mang tên “Phòng tuyến thiết bị không người lái” (Drone Line), đánh dấu một giai đoạn mới trong việc tích hợp hệ thống không người lái (UAS) vào chiến lược phòng thủ của đất nước.

Theo United24, dự án này được thiết kế nhằm tăng cường hiệu quả của các đơn vị thiết bị không người lái hiện có, mở rộng năng lực tác chiến của họ và nhân rộng kinh nghiệm chiến đấu đối với toàn bộ lực lượng phòng thủ của Ukraine.

Theo Tổng thống Zelensky, sáng kiến “Phòng tuyến thiết bị không người lái” sẽ tập hợp bốn trung đoàn mới được thành lập cùng một lữ đoàn độc lập chuyên về tác chiến bằng thiết bị không người lái. Những đơn vị này đã chứng minh được hiệu quả hoạt động và khả năng lãnh đạo trên chiến trường và giờ đây sẽ đóng vai trò nền tảng cho những tiến bộ công nghệ tiếp theo trong quân đội Ukraine.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Bulgarianmilitary/Telegram)
Bên trong cuộc tấn công chưa từng có trong lịch sử xung đột Nga - Ukraine
Bên trong cuộc tấn công chưa từng có trong lịch sử xung đột Nga - Ukraine

Cuộc tấn công mới được Ukraine tiết lộ này đã đẩy giới hạn của chiến tranh hiện đại lên một tầm cao mới, khi cuộc tấn công được thực hiện hoàn toàn bởi các thiết bị không người lái từ robot đến UAV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN