Một mẫu UAV của Nga. Nguồn: Getty Images.
Đó chính là thiết bị bay không người lái (UAV) Shahed-136 đang được Nga sản xuất hàng loạt. UAV Shahed-136 được phía Nga gọi là Geran-2, sau khi cải tiến đã có thể mang đầu đạn nặng hơn và bổ sung thêm đối trọng trong thiết kế.
Sau khi được nâng cấp, Shahed-136 có thể mang đầu đạn nặng 90 kg, gần gấp đôi so với phiên bản trước đó khi chỉ có trọng lượng chỉ 50 kg. Điều này giúp tăng cường đáng kể khả năng phá hủy của nó. Tuy nhiên, do tải trọng nặng hơn, tầm hoạt động của loại UAV này đã giảm từ 1.350 km xuống còn khoảng 650 km, hạn chế phạm vi hoạt động nhưng lại trở nên nguy hiểm hơn trong các cuộc tấn công tầm gần.
HUR cho biết cũng đã phát hiện một nhãn dán có dòng chữ “phụ tùng thiết bị nông nghiệp” bằng tiếng Anh và tiếng Trung, với thời điểm sản xuất vào năm 2024 trên một ăng-ten được sử dụng trong UAV của Nga. Điều này đang khiến Ukraine dấy lên những nghi ngại về việc Nga ngày càng sử dụng nhiều thiết bị điện tử do Trung Quốc sản xuất để thay thế các linh kiện của phương Tây, bao gồm cả chip mạch quan trọng.
Nga đã phóng hàng nghìn UAV Shahed do Iran thiết kế để tấn công Ukraine từ mùa thu năm 2022. Loại vũ khí này được đánh giá là chi phí rẻ nhưng lại rất hiệu quả trong chiến tranh. Nga thường sử dụng UAV loại Shahed để tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Trước đó, theo nguồn tin của tờ The Guardian, Bộ Quốc phòng Nga đang lên kế hoạch tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào UAV Shahed-136. Mục tiêu của việc này là nâng cao khả năng của UAV, giúp chúng vượt qua hệ thống phòng không của Ukraine.
Theo tờ báo này, việc tích hợp AI có thể giúp UAV như Shahed-136 đạt được bước tiến lớn về năng lực chiến đấu. Những UAV này, ban đầu được thiết kế để thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn với chi phí thấp, vẫn dựa vào các hệ thống dẫn đường khá cơ bản. Nhờ AI, khả năng điều hướng, tránh hệ thống phòng không và tấn công chính xác vào cơ sở hạ tầng trọng yếu sẽ được nâng cấp đáng kể.
AI giúp UAV ra quyết định theo thời gian thực dựa trên dữ liệu từ cảm biến. Thay vì dựa vào lộ trình lập trình sẵn hoặc GPS dễ bị gây nhiễu, UAV tích hợp AI có thể tự điều chỉnh quỹ đạo để né tránh radar hoặc các biện pháp đối phó của đối phương. Ví dụ, UAV có thể phát hiện tín hiệu radar từ hệ thống Patriot hoặc NASAMS và tự động chọn đường bay an toàn hơn. AI giúp các UAV phối hợp tấn công trong cùng một nhóm. Các UAV có thể chia vai trò – một phần làm mồi nhử, phần còn lại tập trung vào mục tiêu chính, khiến các hệ thống phòng không của Ukraine khó phản ứng kịp thời. AI có khả năng phân tích hình ảnh từ camera hoặc cảm biến hồng ngoại để nhận diện chính xác mục tiêu, giảm lãng phí tài nguyên vào các cấu trúc ít quan trọng hoặc mồi nhử.
Dù các cải tiến này khiến UAV trở nên đáng gờm hơn, Nga vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại. Ukraine đang vận hành các hệ thống phòng không hiện đại như Patriot, NASAMS và Gepard, đã chứng minh được hiệu quả trong việc đánh chặn UAV. Ngoài ra, Ukraine còn triển khai tác chiến điện tử để gây nhiễu thông tin liên lạc và làm nhiễu loạn dữ liệu điều hướng của UAV. Các hệ thống như Gepard với tốc độ bắn cao vẫn là mối đe dọa đáng kể đối với UAV ở tầm ngắn, dù chúng bị giới hạn bởi bán kính hoạt động và lượng đạn.
Nga đang đẩy mạnh sản xuất UAV Shahed-136 với sản lượng lên đến 900 chiếc mỗi tháng tại các cơ sở như khu công nghiệp Alabuga ở Tatarstan. Thiết kế ban đầu từ Iran đã được Nga đơn giản hóa để giảm chi phí và tăng năng suất, trong đó có việc sử dụng phiên bản động cơ MD-550 giá rẻ từ Trung Quốc. Ngoài Geran-2, Nga còn phát triển nhiều UAV khác như Lancet - một loại UAV nhỏ gọn, có khả năng nhắm mục tiêu tốt hơn, thường được sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng và thiết bị quân sự; Gerbera - UAV này được cho là hoạt động hiệu quả khi sử dụng trong các cuộc tấn công phối hợp, nhằm áp đảo hệ thống phòng không của đối phương.
Việc tích hợp AI vào UAV là một bước đi chiến lược, có thể thay đổi bối cảnh chiến trường. Tuy nhiên, những cải tiến này không đảm bảo Nga sẽ áp đảo Ukraine, bởi hiệu quả của UAV còn phụ thuộc vào sự tinh vi của các thuật toán AI; khả năng chống lại tác chiến điện tử; quy mô và tốc độ triển khai. Cuộc chạy đua công nghệ này một lần nữa cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của AI và UAV trong chiến tranh hiện đại.
Thời gian qua, cả Nga và Ukraine đều lao vào cuộc chạy đua chế tạo UAV nhằm tạo ra các loại vũ khí giá rẻ nhưng có sức sát thương cao. Hồi tháng 9/2024, Nga tuyên bố sẽ tăng sản lượng UAV hàng năm lên 10 lần, đạt mức 1,4 triệu UAV. Một tháng sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho biết đã ký hợp đồng chế tạo 1,5 triệu UAV với các công ty sản xuất vũ khí địa phương, tiến tới cho ra đời 4 triệu UAV mỗi năm.