Hãng tin RT dẫn phát ngôn của Hạm đội 6 Hải quân Mỹ thông báo ngày 19/1 đưa tin tàu khu trục lớp Arleigh Burke trang bị tên lửa dẫn đường được điều tới Biển Đen nhằm tăng cường “năng lực hải quân” của các đối tác và đồng minh NATO trong khu vực.
“Mỹ và Hải quân Mỹ tiếp tục sát cánh cùng với các đồng minh và đối tác cùng đảm bảo lợi ích khu vực và ổn định hàng hải”, Chỉ huy trưởng tàu Donald Cook ông Matthew J. Powel cho biết.
Đây là động thái triển khai tàu chiến lần hai trong vòng chưa đầy 2 tuần của Hải quân Mỹ. Đầu tháng, tàu đổ bộ USS Fort McHenry lớp Whidbey Island cũng đã được điều tới Biển Đen để tham gia huấn luyện cùng thủy thủ Hải quân Romani. Tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết hoạt động tàu này tuân thủ đúng luật quốc tế.
Phản ứng trước hành động trên, Hải quân Nga đã cử một tàu tuần tra tới giám sát khu trục hạm Mỹ, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố. Nga cũng sử dụng các biện pháp “điện tử và kỹ thuật” để giám sát tình hình. Theo luật pháp quốc tế, tàu Mỹ được phép ở trong hải phận Biển Đen không quá 21 ngày.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, đã có 6 tàu quân sự Mỹ hoạt động tại Biển Đen, trong đó có các khu trục hạm có tên lửa dẫn đường như USS Ross, USS Carney, và USS Porter, cũng như tàu đổ bộ USS Oak Hill, tàu vận tải USNS Carson City.
Tình hình trong khu vực vẫn đang tiếp tục căng thẳng sau khi ba tàu Hải quân Ukraine bị cáo buộc vi phạm biên giới Nga trên Eo biển Kerch nối giữa Crimea và lục địa Nga vào ngày 25/11/2018. Hành động của các tàu Ukraine đã dẫn đến một cuộc rượt đuổi kéo dài và cuối cùng buộc Hải quân Nga sử dụng vũ lực để ngăn chặn.
Vụ việc nhanh chóng bị Washington lên án là một hành động xâm lược và dẫn đến kết quả hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh được nhiều người mong đợi giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Vladimir Putin.