Ngay khi Iran công bố một tàu khu trục nội địa 100%, được cho là có công nghệ tàng hình, khả năng tác chiến điện tử và boong đáp trực thăng, Mỹ liền lên tiếng cáo buộc Tehran tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), khiến căng thẳng giữa hai quốc gia tăng vọt.
Báo Wall Street Journal đưa tin chỉ vài ngày sau khi Iran hạ thủy tàu khu trục tàng hình Sahand ở Vịnh Ba Tư, các quan chức Lầu Năm Góc thông báo một hạm đội do tàu sân bay dẫn đầu của Mỹ sẽ đến Trung Đông trong vài ngày tới. Việc triển khai này sẽ chấm dứt thời gian kéo dài 20 năm nhóm tàu sân bay vắng mặt trong khu vực.
Theo những gì giới truyền thông mô tả, nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS John C. Stennis dẫn đầu tới Vịnh Ba Tư vào cuối tuần này được cho là "một cuộc phô trương sức mạnh đối với Iran" tại thời điểm căng thẳng gia tăng sau khi các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành năng lượng của Tehran có hiệu lực.
Tàu sân bay Stennis dự kiến duy trì một sự hiện diện trong khu vực khoảng hai tháng để “ngăn chặn" bất kỳ hoạt động có khả năng thù địch của Iran, một quan chức giấu tên tiết lộ với WSJ.
Video Iran ra mắt tàu khu trục "tàng hình" mới (nguồn: RT):
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 với Iran và tái áp đặt lệnh trừng phạt, ban lãnh đạo quân đội Iran liên tục cảnh báo chống lại bất kỳ sự khiêu khích nào và đe dọa phong tỏa Eo biển Hormuz – con đường chiến lược mà các nhà sản xuất dầu thô Trung Đông buộc phải đi qua trước khi vươn ra thị trường quốc tế. Sự hiện diện của nhóm tàu sân bay Mỹ thực chất nhằm ngăn chặn kịch bản eo biển này bị đóng.
Trong một diễn biến mới nhất, Brian Hook - Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Iran – xác nhận đã tính đến "phương án quân sự".
"Chúng tôi tỏ rõ thái độ với Chính phủ Iran rằng chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực khi lợi ích bị đe dọa. Tôi nghĩ họ hiểu điều đó rất rõ ràng. Tôi nghĩ ngay bây giờ, mặc dù đã bàn đến các sự lựa chọn quân sự, song ý muốn của chúng tôi vẫn là giải quyết theo hướng ngoại giao", Đặc phái viên Hook lý giải.
Trong một buổi lễ được phát sóng hồi đầu tuần, Hải quân Iran đã cho ra mắt một tàu khu trục mới được trang bị vũ khí tiên tiến, một boong đáp trực thăng, các đặc tính tàng hình và được cho là có khả năng tác chiến điện tử.
Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tự hào tuyên bố việc triển khai các tàu mới đã chứng tỏ khả năng phát triển vũ khí hiện đại của đất nước. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng Tehran không tìm kiếm sự đối đầu với bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng sẽ tiếp tục phát huy năng lực phòng thủ của mình.
Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Iran vi phạm các thỏa thuận tên lửa, với cáo buộc mới nhất là Tehran đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo vào đầu tháng 12 có khả năng vươn xa tới châu Âu.
"Nhà nước Iran vừa thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang nhiều đầu đạn. Tên lửa có phạm vi cho phép nó tấn công các nước châu Âu và bất cứ nơi nào ở Trung Đông. Cuộc thử nghiệm này vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ số 2231”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu ngày 1/12.